THCS

Trang chủ / THCS

Tổng quan Chương trình và Phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn – THCS Thực nghiệm Victory

Quan điểm Dạy Ngữ văn

“Văn học là Nhân học” – Văn học phản ánh tâm tư, khát vọng, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của con người và hướng con người vươn tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Dạy Ngữ văn ở Victory theo định hướng “Mang cuộc sống vào bài học và đưa bài học vào cuộc sống” để học sinh có cái nhìn thực tế về mối quan hệ giữa cuộc sống và văn học. Văn học thuộc phạm trù Xã hội và nhân văn nên chân lí không khách quan tuyệt đối mà phụ thuộc nhiều vào góc nhìn và chủ quan của mỗi người. Vì vậy, dạy văn ở Victory nhân văn, không áp đặt, máy móc, không có cái “sai tuyệt đối” mà chỉ là đi tìm “cái đúng hơn”. Học sinh Victory được khuyến khích chia sẻ những suy nghĩ cá nhân, tôn trọng sự khác biệt và chia sẻ đồng thuận để có tiếng nói chung. 

Mục tiêu dạy Ngữ văn là giúp học sinh:

  • Cơ hội khám phá bản thân, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú và quan niệm ứng xử nhân văn.
  • Góp phần giữ gìn, bản sắc văn hóa, sự trong sáng của tiếng Việt
  • Phát triển các năng lực tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác và giải quyết vấn đề, đặc biệt là năng lực ngôn ngữ, các kĩ năng nghe – nói – đọc – viết.
  • Bước đầu phân tích, cảm nhận được các tác phẩm văn học
  • Tích hợp kiến thức liên môn giữa Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân…
  • Phát triển năng lực ngôn ngữ, phân biệt được văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin; viết được đoạn và bài văn tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng; nói dễ hiểu, mạch lạc; có thái độ tự tin, phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp; nghe hiểu với thái độ phù hợp.
  • Phát triển năng lực văn học phân biệt được các thể loại truyện, thơ, kí, kịch; nhận biết được giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức, giá trị thẩm mĩ; phân tích được tính hình tượng, nội dung và hình thức của tác phẩm văn học; có thể tạo ra được một số sản phẩm có tính văn học.

Nội dung dạy học Ngữ văn

Phần ngôn ngữ

Cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ (từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội; ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, số liệu, biểu đồ, sơ đồ) giúp học sinh có khả năng hiểu các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan và vận dụng trong giao tiếp.

Phần Văn học

Cung cấp cho học sinh những hiểu biết về các thể loại truyện dân gian, truyện ngắn, thơ; kí; tiểu thuyết; giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức của tác phẩm văn học; một số yếu tố và biện pháp nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học.

Phương pháp dạy học 

Cấu trúc bài học Ngữ văn gồm các hoạt động sau:

  • Hoạt động khởi động, tạo hứng thú, vào bài mới
  • Tìm hiểu tác giả, tác phẩm
  • Đọc- hiểu văn bản
  • Tổng kết, đánh giá ý nghĩa nghệ thuật của tác phẩm.

Dạy Ngữ văn là Tổ chức các hoạt động ngôn ngữ, văn học cho hoc sinh. Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, giao việc. Học sinh làm việc dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm soát của giáo viên. Trước mỗi bài học, căn cứ mục tiêu nội dung của bài, giáo viên giao cho học sinh các phiếu học tập, video, hình ảnh minh họa, các câu hỏi,… để học sinh tự chuẩn bị, tự nghiên cứu bài học trước ở nhà. Khi đến lớp, tổ chức trao đổi, thảo luận nhóm. Các cá nhân đưa ra quan điểm, ý kiến chuẩn bị của mình, nhóm trao đổi thống nhất các nội dung. Các nhóm báo cáo kết quả, thống nhất ý kiến chung của lớp. Giáo viên nêu nhận xét cuối cùng, chốt kiến thức để hoàn thành tiết học bằng Sơ đồ tư duy giúp học sinh hiểu rõ cấu trúc nội dung của bài học.

Văn học là cuộc sống, nên học sinh có thể học được ở nhà: giải thích ý nghĩa tục ngữ, sưu tầm ca dao dân ca, tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa,… ông bà, cha mẹ dạy con cháu được nhiều. Victory trân trọng và đánh giá cao sự hỗ trợ của cha mẹ trong việc dạy con ở nhà. Phần chuẩn bị bài trước của học sinh có thể trình bày bằng sơ đồ, bằng slide thuyết trình, video hình ảnh,….  với hình thức phù hợp. 

Với mỗi tác phẩm, mỗi bài học có các hình thức học khác nhau:

VD: Khi học truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” thay vì học trực tiếp tại lớp, học sinh đi thực tế tại Hồ Gươm. Quan sát, trải nghiệm thực tế sẽ lí giải được vì sao Hồ lại có tên gọi Hồ Hoàn Kiếm? Tại sao lại gọi là Hồ Gươm? Có đứng ở Hồ Hoàn Kiếm học sinh mới hiểu được ý nghĩa lịch sử của bài học. Vua Lê Thái Tổ  hoàn Gươm là khép lại chiến tranh, là thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc, là đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

Khi học văn bản thơ “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, ngoài việc cho học sinh tiếp cận đặc điểm thể loại, thông tin chung về tác giả tác phẩm. Học sinh còn có buổi trải nghiệm làm bánh trôi. Các biểu tượng; hình ảnh: trắng tròn, chìm nổi, rắn nát, lòng son, tay kẻ nặn đã hiện hữu và in đậm trong tâm trí học sinh trước khi các em hiểu được ý tứ thâm thúy của Bà Chúa thơ Nôm.

Ở Victory những ngày lễ lớn hoặc những sự kiện đặc biệt học sinh được trải nghiệm sáng tác văn học. Đây là cơ hội để học sinh gửi yêu thương đến những người bà, người mẹ của mình nhân ngày 20/10, gửi lời tri ân tới các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đó là những sản phẩm có tính văn học hồn nhiên tự đáy lòng của học sinh. Những Tập san, Tạp chí đã thể hiện tình yêu, năng lực thơ văn, thiết kế vi tính, maket sáng tạo, phong phú của học sinh.

Dự án tích hợp liên môn Văn học – Lịch sử – Địa lí – Giáo dục Công dân là thế mạnh của Victory. Với mỗi dự án học sinh được chọn một chủ đề, đó có thể là một sự kiện, một địa danh lịch sử hoặc một tác phẩm văn học có liên quan đến lịch sử. Học sinh tự nghiên cứu chủ đề, vẽ sản phẩm, dụng mô hình và hoàn thành bài viết, clip trình chiếu để trình bày, thuyết trình báo cáo trước lớp. 

Đánh giá 

Việc học Ngữ văn được đánh giá theo các tiêu chí sau:

  • Đánh giá khả năng giao tiếp  (thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông, hợp tác,….)
  • Đánh giá khả năng ngôn ngữ  (vốn từ, sử dụng từ đúng văn cảnh, đúng câu,..)
  • Đánh giá khả năng Đọc – Hiểu
  • Đánh giá khả năng Viết
  • Đánh giá khả năng ứng dụng vào cuộc sống (sống đẹp, sống tốt, thân thiện, được mọi người quý mến,…)

Lời kết

Dạy ngữ văn để học sinh hiểu cuộc sống, yêu cuộc sống, yêu con người. 

Học văn phải vui, được tự do, được sáng tạo, không áp đặt. 

Học văn để thấu hiểu bản thân, cảm thông với người khác, tôn trọng con người.

Học văn để mình sống tốt hơn.