VICSers KHỐI 6,7 THAM DỰ TỌA ĐÀM “NHÀ VĂN, NGHỀ VĂN VÀ TẾT TRONG VĂN HỌC” VỚI NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC PHẠM XUÂN NGUYÊN: Những tâm tình đậm chất thơ và bài học với nghề viết.
Tết hiển hiện trong văn chương Việt xưa nay như một phong vị đặc biệt, mang nhiều sắc độ từ náo nức, rộn ràng đến hoài cảm sâu lắng. Tết trong văn thơ Việt không chỉ là những câu chuyện kể, những dòng chữ “vẽ” nên khung cảnh của ngày đầu năm mới mà còn đong đầy những nét đẹp văn hóa độc đáo của Á đông khó có thể tìm thấy ở các loại hình nghệ thuật khác.
Những ngày cuối năm đến thật gần, khi người người, nhà nhà đều hòa mình vào không khí rộn ràng của ngày Tết thì VICsers đã có cùng nhau một trải nghiệm đón Tết đặc biệt: Tìm hiểu Tết Việt qua Tọa đàm văn học với chủ đề “Nhà văn, nghề văn và Tết trong văn học”.
Sự xuất hiện của Nhà phê bình văn học nổi tiếng Phạm Xuân Nguyên đã mang đến một không khí rất khác lạ cho buổi tọa đàm lần này. Với chất “thơ” vốn có trong cách chia sẻ, trò chuyện của mình, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã có một buổi tâm tình rất ý nghĩa và sâu lắng với VICsers khối 6, khối 7. Không chỉ chia sẻ với các VICsers về văn học hay Tết trong văn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên còn giống như một người ông đang kể lại cho các cháu một khung cảnh ngày “Tết Việt” từ những năm tháng xưa và nhắc nhở những giá trị văn hóa mà con cháu cần ghi nhớ. Có lẽ vì thế VICsers như được khơi dậy trí tò mò và lòng ham thích, đã thi nhau đặt câu hỏi không ngừng về văn học, về ngày Tết, về nghề viết. Buổi tọa đàm dường như trở thành một cuộc trò chuyện, tâm sự ấm áp giữa thầy và trò, giữa ông và các cháu.
Cám ơn Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên vì những chia sẻ bổ ích, lý thú giúp cho VICsers không chỉ hiểu hơn về Ngày Tết cổ truyền mà còn có cho mình thêm thật nhiều kiến thức về nghề “cầm bút”. Với VICsers, buổi trò chuyện này giống như mở ra một khoảng trời mới về văn chương với nhiều thật nhiều những bài học giá trị, ý nghĩa.