THCS

Trang chủ / THCS

Tổng quan Chương trình và Phương pháp giảng dạy môn Toán học – THCS Thực nghiệm Victory

Quan điểm dạy toán

Toán học bắt nguồn từ cuộc sống và quay lại phục vụ cuộc sống. 

Dạy toán ở Victory bắt đầu từ những tình huống thực tế gần gũi với học sinh, học sinh chủ động tham gia, giờ học sinh động, hấp dẫn. Vận dụng toán vào thực tế làm cho học sinh hứng thú, thấy ý nghĩa của kiến thức toán trong cuộc sống để các em thích học Toán, yêu Toán học hơn.

Dạy toán là Tổ chức các Hoạt động toán học. Dạy học sinh chủ động tìm tòi, phát hiện kiến thức, thay cho nghe giáo viên giảng giải, truyền thụ. Dạy hoạt động Toán học là dạy quan sát, trải nghiệm, dự đoán, sau đó mới dạy suy luận, chứng minh toán học.

Hoạt động Học bao gồm 4 hoạt động:

  • Hoạt động khởi động: Đưa vào tình huống có vấn đề, dẫn dắt vào bài mới, tạo hứng thú học cho học sinh.
  • Hoạt động hình thành kiến thức: Hướng dẫn học sinh trải nghiệm, tìm tòi, dự đoán, từ đó hình thành kiến thức của bài học.
  • Hoạt động củng cố, luyện tập: Giúp học sinh củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng đã hình thành.
  • Hoạt động ứng dụng, mở rộng kiến thức: Hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức vào thực tế, đào sâu hoặc mở rộng kiến thức trong bài học.

Chương trình, Tài liệu

Chương trình môn Toán ở Victory lấy chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cơ sở, đồng thời bổ sung các nội dung phát triển tư duy trong chương trình Toán của Mỹ, cùng với thực hành các dự án Toán học của trường. Giúp học sinh có kiến thức kĩ năng cơ bản của Việt Nam, đồng thời phát triển tư duy khoa học của chương trình Mỹ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình học Toán 4 tiết trong một tuần. Victory bố trí học Toán 6 đến 7 tiết một tuần. Học sinh có kiến thức cơ bản chắc chắn, kĩ năng thành thạo và có thời gian tham gia các dự án học tập liên môn đảm bảo mối quan hệ gắn kết Toán học với Vật lí, Hóa học, Sinh học.

Học sinh Victory được học Toán, Khoa học bằng tiếng Anh là cơ hội giúp học sinh học tập và sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong cuộc sống và học tập.

Phương pháp Dạy

Dạy Toán ở Victory là dạy làm việc, dạy cách học, dạy suy nghĩ. 

Giáo viên căn cứ mục tiêu bài học, soạn khoảng 10 câu hỏi giao cho học sinh chuẩn bị bài trước ở nhà, bằng cách đọc kĩ bài học trong sách giáo khoa hay sử dụng internet, rồi viết các câu trả lời vào vở (hoặc vở nháp). Trả lời được những câu hỏi này là học sinh đã cơ bản nắm được kiến thức, viết câu trả lời để giáo viên kiểm soát việc chuẩn bị bài ở nhà của học sinh.

Giờ học Toán, giáo viên cho học sinh cho trao đổi theo nhóm hoặc cặp đôi. Nhóm thống nhất các câu trả lời. Giáo viên gọi học sinh từng nhóm trả lời, gọi học sinh ở nhóm khác nhận xét câu trả lời của nhóm bạn. Như vậy mỗi học sinh đã chuẩn bị ở nhà, trao đổi trong nhóm để hoàn thiện kiến thức. Giáo viên là người nhận xét cuối cùng, chốt lại kiến thức. Đó là cách Học mà tất cả học sinh phải tích cực chuẩn bị, tích cực tương tác với bạn để chia sẻ, học hỏi và chủ động hình thành kiến thức cho mình. Giáo viên không giảng giải, truyền thụ mà là người tổ chức, hướng dẫn Học cho học sinh.

Kiểm tra đánh giá

Kiểm tra việc chuẩn bị bài là khâu quan trọng nhất, giúp học sinh đọc kĩ, biết ghi chép, diễn đạt hiểu biết của mình qua trao đổi với bạn; Đánh giá tinh thần, ý thức học của học sinh qua tương tác nhóm; Đánh giá khả năng diễn đạt của học sinh qua trình bày ở  lớp; Đánh giá việc nắm kiến thức, kĩ năng của học sinh qua hoạt động củng cố, luyện tập; Đánh gía năng lực toán học qua hoạt động ứng dụng, mở rộng kiến thức. Đây là đánh giá cả quá trình học tập. Học sinh tự đánh giá mình, đánh giá bạn, được giáo viên đánh giá, từ đó điều chỉnh việc học cho hiệu quả hơn.  

Trải nghiệm

Trải nghiệm trong học toán diễn ra suốt quá trình học tập. Trải nghiệm trong hình thành kiến thức, trải nghiệm trong thực hành luyện tập, trải nghiệm trong ứng dụng kiến thức. Trải nghiệm trong lớp học, trải nghiệm qua thực hành, trải nghiệm trong thực tế,.. 

Học toán bắt đầu từ quan sát, dự đoán qua phép quy nạp, thử – sai và kiểm tra dự đoán bằng suy luận, chứng minh toán học. Không có dự đoán, quy nạp không phát hiện ra kiến thức. Không có suy luận, chứng minh không thể khẳng định được tính đúng đắn của tìm tòi, phát hiện, không khẳng định được chân lí Toán học. Tìm tòi và khẳng định là hai mặt của Toán học vừa hấp dẫn vừa tin cậy. Đó là vẻ đẹp và sức mạnh của Toán học.   

Lộ trình học tập

Khối 6,7: Giúp HS làm quen với chương trình THCS, yêu thích môn học. Tập trung kiến thức, kĩ năng nền tảng. Nâng cao phù hợp năng lực học sinh.

Khối 8,9: Tập trung vào ba môn công cụ, phân hóa đối tượng; Tư vấn, định hướng và xây dựng mục tiêu cho mỗi đối tượng phù hợp với khả năng của học sinh và nhu cầu của gia đình thi THPT. Rà soát mục tiêu. Chia lớp, ôn tập theo mục tiêu từng nhóm. 

  1. Chương trình Toán lớp 6

Phân môn Số học:  

Dạy Số học luôn đi từ thực tiễn, để học sinh hiểu toán học bắt nguồn từ những nhu cầu thực tiễn và nghiên cứu phục vụ thực tiễn. Những con số trong bài học Toán ở Victory không phải là những con số vô hồn, khô khan mà là những con số có đời sống riêng, đi vào các bài học.

Ví dụ: Để phục vụ cho trò chơi Team building, cần mua 1 số thìa và bóng như nhau, nhưng siêu thị chỉ bán thìa theo hộp 4 chiếc, bóng theo hộp 6 quả. Vậy cần phải mua ít nhất bao nhiêu hộp thìa và bóng để sử dụng không lãng phí? Kiến thức về Bội chung và Bội chung nhỏ nhất sẽ giải quyết được vấn đề này.

Dạy Toán ở Victory chú trọng dạy học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các bài toán thực tiễn. Sau bài học về Bội chung nhỏ nhất, học sinh có thể giải thích được tại sao cứ 60 năm lại lặp lại một năm Nhâm Dần của cách tính năm Âm lịch.

Học về số nguyên bắt đầu bằng việc đưa học sinh tìm hiểu về kinh doanh biết được các yếu tố cơ bản trong kinh doanh như: vốn, doanh thu, lỗ, lãi, chi phái vận hành,.. và như vậy biết được số âm là để chỉ số thua lỗ trong kinh doanh. Học sinh Victory còn thực hiện dự án kính doanh thực tế như: “bán túi muối lộc đầu xuân”, “ bán bưởi diễn” để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Phân môn Hình học trực quan:

Dạy Hình học cần cho học sinh hiểu rõ hai cấp độ của nghiên cứu Hình học: Hình học trực quan ở lớp 6 và Hình học suy diễn bắt đầu từ lớp 7

Tiếp cận hình học trực quan chủ yếu tập trung vào tự quan sát, tự nêu ra đặc điểm của hình, tự kiểm chứng dự đoán bằng các phép đo với các dụng cụ học hình là thước kẻ, ê ke, thước đo góc. Từ đó nêu kết quả là đạt yêu cầu. Ví dụ, để tìm hiều về trục đối xứng của hình vuông bằng cách cho học sinh tự cắt hình vuông, tìm các cách gấp đôi hình vuông đó thành 2 phần bằng nhau. Có bao nhiêu cách gấp thì có bấy nhiêu trục đối xứng của hình và hình có trục đối xứng gọi là Hình đối xứng.

Kiến thức có được từ những trải nghiệm thực tế như vậy, học sinh sẽ nhớ rất lâu, và cảm nhận được học toán tự nhiên, đơn giản chứ không xa lạ, không phức tạp.

Dạy ứng dụng kiến thức là cho học sinh tìm các hình đối xứng có trong hội họa, kiến trúc, trong các vật thể tự nhiên… Học sinh thấy được toán học thật gần gũi và cần thiết trong cuộc sống con người.

Còn Hình học suy diễn từ lớp 7 là hoàn thiện quy trình nghiên cứu Hình học. Hình học lớp 7 không chấp nhận kết quả trực quan mà yêu cầu phải chứng minh nhận xét rút ra bằng chứng minh toán học thông qua dãy các suy luận lô gic. Vẻ đẹp trực quan của Hình học lớp 6 được đảm bảo bằng suy luận chính xác bằng lí trí ở Hình học lớp 7. Đó là vẻ đẹp và sức mạnh của Toán học – Ông Hoàng của khoa học Tự nhiên. 

  1. Ví dụ về Hướng dẫn học sinh chuẩn bị ở nhà

Khi dạy bài: Tổng các góc của tam giác ở lớp 7

Mục tiêu bài học: Hướng dẫn học sinh trải nghiệm, dự đoàn về tổng các góc của tam giác. Chứng minh dự đoán bằng suy luận. Nêu Định lí tổng các góc của tam giác.

Từ mục tiêu bài học, giáo viên sọan ra 10 câu hỏi(nhiệm vụ) cho học sinh chuẩn bị 

  1. Cắt 2 tam giác tùy ý bằng nhau kí hiệu là tam giác ABC và tam giác A1B1C1.
  2. Đo các góc của tam giác, tính tổng các góc.
  3. Nêu kết quả phép đo và tính tổng các góc của tam giác.
  4. Cắt các góc B1, C1 của  tam giác A1B1C1dán ở 2 bên góc A và kề với góc A của tam giác ABC. 
  5. So sánh góc là tổng 3 góc vừa dán ở trên với góc “bẹt” .
  6. Nêu dự đoán về tổng các gọc của tam giác.
  7. Vẽ tam giác ABC vào vở. Từ đỉnh A vẽ đường thẳng song song với cạnh BC. Đặt tên các góc tại đỉnh A là góc A, góc B1 và góc C1.
  8. So sánh các góc B và B1, góc C và góc C1
  9.  Tính tổng các góc A, góc B, góc C qua tính tổng các góc A, góc B1 và góc C1.
  10.  Nêu Định lí về tổng các góc của tam giác.

Kết luận: Dạy Toán ở Victory là cho học sinh thấy Toán học gần gũi với cuộc sống, Toán học tự nhiên, đơn giản, Toán học chính xác và chặt chẽ. Đó là vẻ đẹp đích thực của Toán học. Để học sinh không sợ Toán, thích học Toán và yêu môn Toán./.