THCS

Trang chủ / THCS

Tổng quan Chương trình và Phương pháp giảng dạy môn Khoa học tự nhiên – THCS Thực nghiệm Victory

Giới thiệu chương trình

Chương trình GDPT năm 2006 các môn tự nhiên dạy ở THCS gồm: Vật lí, Sinh học, Hóa học. Chương trình GDPT 2018, môn KHTN được xây dựng bao gồm nội dung các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học với mục đích để gắn kết các môn theo chiều ngang – Tích hợp liên môn ở các lớp THCS. Dạy khoa học tự nhiên theo hướng trải nghiệm thực hành, giúp học sinh có hiểu biết cơ bản về thế giới tự nhiên và mối quan hệ giữa các đối tượng trong đời sống con người. Định hướng này trùng khớp với quan điểm và triết lí dạy học của Victory: Học qua thực hành – Trưởng thành qua trải nghiệm. 

Mục tiêu xây dựng chương trình

Chương trình GDPT 2018, môn KHTN vẫn đảm bảo logic bên trong của từng mạch nội dung Vật lí, Sinh học, Hóa học đồng thời tích hợp theo nguyên lý của tự nhiên của các nội dung đó. 

 Mục tiêu dh KHTN là:

  • Phát triển các phẩm chất, năng lực hình thành và phát triển ở cấp tiểu học
  • Phát huy tính tích cực chủ động của HS; tránh áp đặt một chiều, máy móc.
  • Rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức KHTN để giải quyết vấn đề thực tế.
  • Tích hợp kiến thức liên môn: Toán, Công nghệ, Tin học….thực hiện giáo dục STEAM một xu hướng giáo dục được coi trọng ở nhiều quốc gia và được quan tâm nhiều trong đổi mới GDPT của Việt Nam.

Phương pháp dạy học

KHTN là Khoa học thực nghiệm – nghiên cứu tự nhiên. Bắt đầu từ quan sát – phán đoán, dự đoán – Thực hành, thí nghiệm – Điều chỉnh dự đoán – Rút ra kết luận và Ứng dụng kiến thức vào cuộc sống.

Dạy môn KHTN ở Victory cũng tương tự như quá trình tìm hiểu, nghiên cứu  tự nhiên, qua 5 bước ở trên. Dạy KHTN ở Victory là dạy quan sát, dự đoán, dạy thực hành, thí nghiệm, dạy tư duy và dạy kĩ năng vận dụng. 

Giáo viên căn cứ mục tiêu bài học, soạn ra các nhiệm vụ hoặc câu hỏi  giao cho học sinh chuẩn bị trước ở nhà. Học sinh đọc sách giáo khoa, sử dụng internet hay đơn giản là trao đổi với bố mẹ, bạn bè rồi viết các câu trả lời vào vở. Trả lời được những câu hỏi  là đã cơ bản nắm được một phần kiến thức. Viết câu trả lời để giáo viên kiểm soát việc chuẩn bị bài ở nhà của học sinh, đây là yêu cầu bắt buộc trong dạy học ở Victory.

Giờ học KHTN, giáo viên tổ chức học sinh cho trao đổi, thực hành theo nhóm và theo các hiệu lệnh của giáo viên. Trao đổi nhóm để học sinh kiểm soát chuẩn bị của mỗi học sinh, đánh giá hiểu biết của mình, của bạn, thể hiện khả năng thực hành, hoặc diễn đạt và để học sinh biết chia sẻ, lắng nghe, biết tương tác với bạn. Khi nhóm thống nhất trả lời, giáo viên gọi đại diện nhóm trình bày và gọi học sinh ở nhóm khác nhận xét câu trả lời của nhóm bạn. Như vậy mỗi học sinh đã qua ba cấp độ học: cá nhân chuẩn bị ở nhà; trao đổi, thực hành trong nhóm để khám phá và chiếm lĩnh kiến thức; trình bày trước lớp. Giáo viên là người định hướng dẫn dắt và nhận xét cuối cùng, rồi chốt lại kiến thức. Học sinh là chủ thể của việc học, ở cấp độ nào cũng chủ động, tích cực hoạt động, không thụ động nghe giảng, chép bài như cách học truyền thống. Đó là cách học mà cá nhân tích cực chuẩn bị, tích cực tương tác, chia sẻ học hỏi và tự hình thành kiến thức cho mình. Giáo viên không giảng giải, truyền thụ mà là người tổ chức, hướng dẫn việc Học cho học sinh.

Vai trò của Thực hành, Thí nghiệm

Khoa học tự nhiên là khoa học thực nghiêm nên vai trò của Quan sát, Thí nghiệm, Thực hành là rất quan trọng. Thí nghiệm hay Thực hành thành công là có chân lí của khoa học tự nhiên – Thí nghiệm là Chứng minh trong khoa học tự nhiên. Quan sát tinh tế mới phát hiện đúng bản chất của sự việc, mở đường cho phát minh. Cân đo, đong, đếm chỉ cần sai số một phần nghìn milimet, miligam đã làm thất bại một thí nghiệm. Dạy học Khoa học tự nhiên chú trọng dạy kĩ năng “bằng tay” chính xác, để “Cái Tay làm Khôn cái Đầu” làm cơ sở để “Cái Đầu làm Khéo cái Tay”.  Đây là chu trình kín để nghiên cứu tự nhiên, đồng thời là chu kì phát triển nhận thức mỗi con người khi nghiên cứu tự nhiên.

Kiểm tra đánh giá

Nội dung đánh giá 

  • Đánh giá kĩ năng và thái độ quan sát
  • Đánh giá khả năng phán đoán, dự đoán
  • Đánh giá kĩ năng, thái độ thực hành, thí nghiệm
  • Đánh giá khả năng diễn đat, trình bày
  • Đánh giá khả năng tương tác, hợp tác
  • Đánh giá khả năng khái quát, rút ra kết luận
  • Đánh giá khả năng ứng dụng kiến thức vào đời sống. 

Hình thức đánh giá 

  • Đánh giá thông qua bài viết: bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, bài tiểu luận, báo cáo,….
  • Đánh giá thông qua vấn đáp: câu hỏi vấn đáp, phỏng vấn, thuyết trình,….
  • Đánh giá thông qua quan sát: quan sát thái độ, hoạt động của học sinh qua bài thực hành thí nghiệm, thảo luận nhóm, học ngoài lớp học, tham quan các cơ sở khoa học, cơ sở sản xuất, thực hiện dự án vận dụng kiến thức, kĩ năng trong thực tiễn,….. bằng một số công cụ như sử dụng bảng quan sát, bảng kiểm, hồ sơ học tập,…
  • Đánh giá qua Tự đánh giá, đánh giá bạn và qua đánh giá của bạn hoặc của cha mẹ.

Ví dụ về hướng dẫn học sinh chuẩn bị ở nhà

Bài: Lực và tác dụng của lực

Mục tiêu: Hướng dẫn học sinh thực hiện nhiệm vụ dịch chuyển vật từ vị trí này sang vị trí khác cần có việc đẩy, kéo một vật. Từ đó làm cơ sở nhận biết sự đẩy và sự kéo trong cuộc sống. Biểu diễn được lực, lấy được ví dụ về tác dụng của lực trong thực tế.

Từ mục tiêu bài học, giáo viên sọan ra các câu hỏi (nhiệm vụ) cho học sinh chuẩn bị trước ở nhà:

  1. Dựa vào kinh nghiệm bản thân, hãy tìm 3 ví dụ về sự xuất hiện sự đẩy hoặc sự kéo trong thực tế.
  2. Làm thế nào nhận ra có lực tác dụng?
  3. Ghi nhận và mô tả các tác dụng khác nhau của lực có trong video ( cô giáo đính kèm video gửi online )
  4. Tên của dụng cụ đo lực? Nêu cấu tạo của nó và các bước đo? Đơn vị đo lực?
  5. Liệt kê  các bước thực hiện đo lực kéo của vật theo phương ngang
  6. Tìm hiểu cách biểu diễn lực. Hãy biểu diễn các lực sau:
  • Một người đẩy cái hộp A với lực 1N và một người đẩy cái hộp A với lực 2N ( theo phương nằm ngang)
  • Một xe kéo đang kéo một thùng hàng với lực 500N.
  • Kể tên 5 hoạt động hàng ngày cho thấy lực và tác dụng của lực tương ứng trong các hoạt động đó. 

Ví dụ: Đánh răng: Nhờ lực đẩy, kéo của tay mà bàn chải dịch chuyển qua lại ( đổi hướng chuyển động ) trên bề mặt răng và làm sạch răng.

  1. Ý nghĩa của lực trong đời sống
  2. Các phương biểu diễn lực

Kết luận:

  • Khoa học tự nhiên là nghiên cứu tự nhiên cuộc sống
  • Khoa học tự nhiên là khoa học cuộc sống
  • Nghiên cứu Tự nhiên để hiểu biết về tự nhiên
  • Nghiên cứu Tự nhiên cải tạo tự nhiên phục vụ con người
  • Dạy khoa học tự nhiên bắt đầu từ cuộc sống và quay lại phục vụ cuộc sống làm cho học sinh thích học, yêu khoa học tự nhiên, tích cực bảo vệ môi trường,…

Ứng dụng: Đòn bẩy, măt phẳng nghiêng, ròng rọc chuyển đồ vật; cắt ngọn cho cây lấy lá, lấy quả; cắt cành giữ ngọn cho cây lấy thân; làm chất chỉ thị màu kiểm tra độ an toàn của thực phẩm, hóa chất,…