THCS

Trang chủ / THCS

HÀNH TRÌNH TÌM LỐI ĐI CHO CHỮ “THƯƠNG”

Câu chuyện của cô Bùi Thị Ngọc – giáo viên Toán, trường THCS Thực nghiệm Victory

“Ngốc à, sao lại bỏ ngang? Cậu định bỏ phí ba năm đại học qua à?” Phản ứng bàng hoàng và những lời khuyên can là điều cô Ngọc lường trước khi nói ý định tương lai với cậu bạn thân. Chính cô cũng ngạc nhiên khi có khao khát bỏ ngang kỳ học thứ nhất của năm 3 tại Ngoại thương để thi văn bằng hai ở đại học Sư phạm Hà Nội. Cô cười nói với bạn: “Chắc tớ bị sao thật rồi! Nhưng chưa bao giờ tớ chắc chắn về điều mình mong muốn như thế.”

Niềm đam mê toán học được nuôi dưỡng

Ngọc sinh ra và lớn lên tại quê hương của bánh đậu xanh nổi tiếng – Hải Dương. Như bao đứa trẻ bình thường ở miền quê Bắc Bộ, cô học 12 năm phổ thông tại trường gần nhà và cố gắng thi đỗ một trường đại học tại Hà Nội. Những năm tiểu học, đối với cô, không có nhiều ký ức về điều gì được học. Có lẽ vì cô chỉ học “tàng tàng” nên không nhớ. Tuy nhiên, ký ức rõ ràng hơn khi cô bước lên lớp 6. Lần đầu tiên cô thấy hứng thú với việc học, đặc biệt là môn toán. Cô từng thấy nó khô khan và tẻ nhạt, nhưng giờ “thật dễ hiểu, vẫn bí ẩn nhưng có thể khai phá được”.

Đó là lúc cô gặp thầy dạy toán lớp 6, một giáo viên dạy bình thường nhưng rất nhiệt tình. Thầy có thể dành cả buổi ra chơi hay sau giờ học để giảng cho Ngọc những bài toán cô chưa hiểu. Thầy giao ít bài tập nhưng lại gợi mở 3 – 4 cuốn tài liệu nâng cao khác để khuyến khích học sinh làm thêm tại nhà. Tất nhiên, bất kỳ câu hỏi nào từ tài liệu thêm thầy đều sẵn sàng dành thời gian để giải đáp. Cô quý thầy, thầy làm cô thay đổi cách nhìn và cách học môn học từng là nỗi sợ này. Cô có thể dành hàng giờ liền cuối tuần và cả mùa hè năm lớp 6 đó để hệ thống lại toàn bộ kiến thức toán và làm bài tập nâng cao.

Ngọc có thể nhớ chắc chắn về những năm tháng cấp 2, cô đã học được cách tự học và nhen nhóm tình yêu với môn toán. Có một câu nói của Steve Job mà cô rất thích và thấy hợp với bản thân: “Stay hungry, stay foolish – Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ“. Đối với môn toán cô cũng vậy.

Không có định hướng, lựa chọn theo số đông

“Con muốn thi trường đại học gì?” – câu hỏi Ngọc nhận nhiều nhất vào đầu năm lớp 12. Cô không biết trả lời mọi người thế nào. Cô không có mong muốn gì. Niềm yêu thích toán học không định hướng cô đến bất cứ nghề gì. Cuối cùng, cô chọn Ngoại thương, đơn giản vì “lúc đó trường Ngoại Thương rất “hot” và học kinh doanh chắc sẽ giàu.” Tất nhiên, với năng lực của mình, cô thi đỗ khoa Kinh tế đối ngoại – khoa có điểm đầu vào cao nhất Ngoại thương với 10 điểm toán.

Những tiết học liên quan đến toán là điều cô nhớ nhất về năm tháng ở Ngoại thương. Cô thích cách thầy dạy toán cao cấp sàng lọc kiến thức và đơn giản hóa mọi thứ. Đặc biệt, thầy coi toán học như con người – “người con gái đẹp” có môi trường sống và có tâm hồn. Ví như với 1/x có x thuộc tập xác định khác 0 thì thầy coi “đó là môi trường sống của phép toán đó”.

Còn lại, không có điều gì đặc biệt, cô cứ học thôi.

Tìm kiếm lối đi cho chữ “thương” – quyết định của kẻ ngốc?

Có những điều khác cô nhớ về nhưng nó nằm ở ngoài khuôn viên trường đại học. Mỗi tối, cô đều có 2 ca dạy thêm tại trung tâm ôn luyện môn toán hoặc gia sư kèm riêng tại nhà. Thậm chí, cuối tuần, cô nhận 4 ca dạy học. Ban đầu chỉ đi dạy vì muốn kiếm thêm tiền nhưng càng dạy cô càng thích. Cô thích việc giảng dạy, truyền cảm hứng và tình yêu môn toán. Hơn cả, cô yêu và thương học sinh.

img 7125
Toán học phải gắn với thực tế, hiểu bản chất, gốc gác thì mới yêu nó được

Linh là học sinh của Ngọc, đang theo học một trường cấp 3 tại Tây Hồ. Cô bé là dân nhảy nhót, chỗ nào có nhạc, cô bé đều vui vẻ. Giờ học toán, đối với Linh, không phải là nơi như thế. Cô bé chán học, chân thật hơn là không muốn học 1 tí gì. Mẹ của Linh chỉ mong Ngọc giúp Linh tốt nghiệp THPT với điểm môn toán không phải là số 0 tròn trĩnh.

Linh như “một bài toán khó”. Nhưng không có bài toán nào không thể giải. Những ngày đầu, Linh không tập trung, tâm hồn treo trên mây. Ngọc chuyển sang tâm sự nhiều hơn với Linh, nghiên cứu kỹ những tài liệu, vở ghi của Linh. Ngọc cần bắt nhịp với kiến thức trên lớp của cô bé, cần hiểu xem thầy cô giảng gì bởi “thường những đứa ghét học toán là trong giờ học các con không hiểu thầy cô nói gì”, chúng sợ môn toán, dần dần buông rơi kiến thức và mặc kệ. Vì vậy, điều đầu tiên phải dạy cho Linh hiểu những gì thầy cô nói trên lớp.

Linh tập trung hơn trong giờ học. Ngọc chỉ giảng để cô bé hiểu các công thức gốc, nhớ một thì luôn dễ hơn. Từ công thức đó, cô dạy Linh có thể phân tích và suy ra các công thức khác. Cô bé bắt đầu hiểu và yêu thích môn toán.

Ngọc có thể dạy 4-5 ca liên tục mà không thấy mệt. Cô thấy vui nhưng cũng nhiều trăn trở. Mỗi lần học sinh không hiểu bài, cô lại càng thương bọn trẻ. “Phải luôn tìm ra cách khác để chúng hiểu” – suy nghĩ đó thúc đẩy cô mỗi ngày. Lần đầu, cô biết bản thân muốn làm gì. Kỳ I năm 3 đại học, Ngọc muốn học văn bằng hai sư phạm.

Cô khao khát điều đó đến nỗi muốn bỏ ngang việc học hiện tại. “Không phải môi trường ở đây không tốt, tớ chỉ đã tìm ra nghề tớ thật sự muốn theo đuổi”, Ngọc tâm sự cùng cậu bạn thân. Tất nhiên, sau khi được thuyết phục, cô trì hoãn việc thực hiện mong muốn đó để hoàn thành tốt nghiệp tại Ngoại thương. Ngay mùa hè năm 2015, cô đăng ký và ôn thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Toán.

“Như thế sẽ vất vả lắm con ơi!” Mẹ cô luôn mong con gái có cuộc sống an nhàn. Ngay cả các anh chị học viên trong lớp Sư phạm Toán cũng khuyên can: “Làm giáo viên vất lắm, anh chị muốn ra còn không được, em có bằng Ngoại thương mà còn đâm đầu vào làm gì?” Mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn khi sau một năm học văn bằng 2, Ngọc lấy chồng và sinh con. Ngày con trai tròn một tháng tuổi, cô quay cuồng trong các bài thi và làm luận văn tốt nghiệp. Không ai trong gia đình hay bạn bè ủng hộ quyết định của Ngọc.

z2466924318432 1377345399846b2ad38a461441242137
Niềm hạnh phúc khi dạy học

Tuy nhiên, cô chưa bao giờ ngừng cảm thấy hạnh phúc trong khoảng thời gian đó. “Stay hungry, stay foolish. Tôi muốn làm kẻ ngốc, dù chỉ một lần trong đời”. Càng học cô càng yêu nghề, cô muốn danh chính môn thuận bước vào nghề. Không ai có thể làm cô lung lay.

Tìm kiếm người thầy dẫn lối

Ngay khi ra trường, Ngọc đã gửi hồ sơ ứng tuyển làm giáo viên tại một trường tư. Cô vẫn manh nha muốn tìm và truyền dạy cho học sinh phương pháp khác với giáo dục hiện tại. Cô biết dạy học truyền thống không ổn, làm cho hoc sinh rập khuôn, máy móc. Cô không thích dạy toán mà chỉ đưa ra một loạt công thức rồi bắt học sinh hấp thụ vào. Nó chỉ học để mang thi cử, học xong không để làm gì. Cô luôn tin môn học nào cũng có sứ mệnh riêng, phải phân tích được cho học sinh hiểu học toán cần làm gì, không chỉ kiến thức mà còn tư duy. Nếu chỉ truyền đạt kiến thức trong sách giáo khoa, không cho các con tự tìm tòi và tư duy thì sau này các con không thể đồng điệu cùng môn học. Từ những kinh nghiệm trong quá khứ, cô biết “toán học phải gắn với thực tế, hiểu bản chất, gốc gác thì mới yêu nó được.”

Thầy cô giáo cũ đã truyền cảm hứng và tình yêu môn toán rất nhiều cho cô nhưng chưa ai giúp cô định hình rõ cách dạy cô muốn theo đuổi. “Stay hungry, stay foolish”. Ngọc không muốn dừng tìm kiếm. Cô biết cô cần tìm một người thầy định hướng phương pháp dạy đó, một cách bài bản.

img 7106
Học sinh thuyết trình trong tiết toán học “Nhà khảo cổ học – Số đo góc”

Tháng 5 – 2020, Ngọc nộp đơn vào Trường THCS Thực nghiệm Victory. Cô gặp thầy Lê Tiến Thành, người sau này cô tự hào gọi hai tiếng “sư phụ”. Thầy giúp cô gọi tên được phương pháp đổi mới cô luôn trăn trở – “thực nghiệm”, định hướng rõ ràng cách triển khai và truyền cảm hứng cho cô mỗi ngày. Thầy không ngại dành thời gian ngồi trong lớp hàng giờ liền để quan sát và góp ý cho cô. Tâm huyết của người thầy với hơn 40 năm gắn bó với Toán vẫn cháy bỏng như tình yêu môn học này của cô. Cô thấy mình thật may mắn, cô đã tìm được người thầy của mình.

img 7105
Thầy Lê Tiến Thành dự giờ tiết học “Nhà khảo cổ học – Số đo góc”

Lối đi của chữ “thương”

Phương pháp thực nghiệm, cô không cảm thấy chút gì khó khăn khi thực hiện bởi nó giống như bản chất, bản năng dạy học của cô Ngọc vậy.

dsc03231
Cô Ngọc cùng học sinh trong tiết “Xếp vật thẳng hàng trong thực tế”

Cô nhận công tác chủ nhiệm và giáo viên dạy toán lớp 6A1 – lớp Song ngữ Mỹ. Lớp học chỉ gần 20 học sinh nhưng mỗi em đều có cá tính và tư duy toán học khác biệt. Vì vậy, trước khi bắt đầu năm học mới, cô dành khoảng thời gian đầu để tìm hiểu từng học sinh, qua bài kiểm tra tâm lý – tính cách MBTI, qua tâm sự, qua hoạt động trải nghiệm. “Khi đọc vị được từng học sinh, các con thấy mình hiểu chúng, tin tưởng và lắng nghe mình hơn. Các bài học sẽ dễ dàng được truyền tải phù hợp”.

dsc05242
Cô Ngọc ứng dụng phần mềm Plickers – công nghệ tổ chức ôn tập và kiểm tra trắc nghiệm

Cô bắt đầu hành trình gắn liền toán học với đời sống. Theo phương pháp này, giáo viên phải chuẩn bị bài công phu hơn, giáo viên phải tìm tòi và hiểu sâu vào lõi kiến thức toán học mới có thể ghép nối vào cuộc sống. “Học số âm, học phân số, học đường thẳng,… để làm gì, đưa vào đời sống như thế nào?” Đó là câu hỏi cô vẫn tự hỏi trước mỗi bài giảng. “Mình dạy cho học sinh nếu không tìm tòi thì giống như dạy học sinh cái phần vỏ thôi, cái có sẵn rồi. Mình muốn học sinh được khai phá chứ không rập khuôn công thức, có tư duy toán học thì các con sẽ có thể tự giải được bài toán mà không cần học thuộc dạng. Các con có thể mang tư duy đó ứng dụng vào mọi môn học, mọi lĩnh vực.” Khi người ta nhập hồn vào nghề dạy, yêu nghề dạy thì người ta sẽ ý thức được điều đó.

151925089 2010762069063903 5284796924762113364 n
Cô Ngọc trong tiết học ôn tập trực tuyến sáng thứ 7 hàng tuần

Không có học sinh nào không thể giáo dục được, chỉ cần mình kiên nhẫn và biết cách. Học sinh không hiểu bài là do mình. Vẫn giữ suy nghĩ như vậy từ những năm làm gia sư hồi đại học, cô Ngọc thương học sinh mỗi lần chưa hiểu bài. Bổ nhỏ kiến thức, dẫn dắt từng bước, nghĩ ví dụ minh thực tế,… cô tìm mọi cách để học sinh nắm bắt vấn đề. Thời gian trên lớp, giờ ra chơi, sau giờ học chưa đủ, cô nghĩ thêm dạy trực tuyến tại nhà vào cuối tuần. “Mình thương học sinh, muốn cho các con hiểu nên thêm tiết học đó để học cùng”.

z2465442383735 9738943bbfd2a929c3874e6c69d9c353

Stay hungry, stay foolish” – những bước chân khai phá lối đi cho chữ “thương” của cô Ngọc đang tràn đầy nhiệt huyết, và cô chưa có ý định dừng lại.