Bạo lực học đường, trầm cảm ở trẻ em đang là một vấn đề nhức nhối hiện nay. Từ những xô xát ở trường lớp đến những vụ học sinh tự tử gần đây đã đặt ra cho toàn xã hội, đặc biệt những nhà giáo dục, các bậc cha mẹ một câu hỏi thách thức: “Làm thế nào để neo giữ những giá trị sống tích cực trong tâm hồn của những đứa trẻ đang lớn ?”
Căn bệnh “thành tích” trầm kha phải chăng đã làm toàn bộ hệ thống xã hội của chúng ta đi sai đường? Có phải lâu nay chúng ta chỉ mải chú trọng đến điểm số, các giải thưởng quốc gia, quốc tế mà đã vô tình bỏ quên phát triển đời sống tinh thần cho các con?
Từ những câu hỏi day dứt ấy, những nhà giáo dục tâm huyết tại Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory đẩy mạnh việc nghiên cứu, biên soạn giáo trình và dự kiến áp dụng mô hình giáo dục SEL từ lớp 1 – lớp 3 trong năm học 2022 – 2023 tới đây.
SEL là gì ? Tại sao cần giáo dục SEL trong trường học
Giáo dục năng lực cảm xúc xã hội (Social & Emotional Learning – SEL) là quá trình mà người học từ người lớn đến trẻ em áp dụng các kiến thức và kỹ năng để hiểu và quản lý cảm xúc; thiết lập và đạt được các mục tiêu tích cực; cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm với người khác; thiết lập và duy trì các mối quan hệ tích cực cũng như đưa ra được quyết định có trách nhiệm.
Chương trình SEL hướng tới việc xây dựng một không khí học đường tích cực, thúc đẩy tính công bằng và hiệu quả trong giáo dục thông qua mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường – gia đình và cộng đồng.
Cô Vũ Kiều Oanh – chuyên gia Tâm lý học đường tại Tập đoàn Giáo dục EQuest – cố vấn xây dựng chương trình SEL tại Thực nghiệm Victory cho biết: “Chương trình sẽ không chỉ dạy cho các em học sinh biết cách điều tiết cảm xúc mà còn hướng dẫn cho bố mẹ cách tương tác với con cũng như đào tạo cho các giáo viên kĩ năng kết nối với học sinh một cách tích cực”.
Cô Oanh nhận định, chương trình chính dành cho học sinh nhưng chương trình bổ trợ dành cho bố mẹ và các giáo viên là rất quan trọng trong việc tạo ra môi trường tích cực cho học sinh.
Đặc biệt, chương trình SEL đòi hỏi sự đồng hành, tương tác từ phía gia đình. “Đối với các môn học khác, các bậc phụ huynh thường có tâm lý “trăm sự nhờ thầy cô”, nhưng với SEL các bố, mẹ sẽ được huy động tham gia chủ động, tích cực vào việc giáo dục trẻ cùng với nhà trường”, cô Oanh chia sẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý học giáo dục, chương trình giáo dục SEL là một giải pháp tổng thể tác động đến toàn bộ chất lượng cuộc sống của các em học sinh. Vận dụng những kỹ năng cảm xúc xã hội giúp học sinh xây dựng mối quan hệ gắn bó tốt hơn, bồi dưỡng những cảm xúc tích cực, tăng khả năng đối phó với căng thẳng, trầm cảm và thành công hơn học tập, cuộc sống.
Với chương trình này, các bậc phụ huynh cũng sẽ được nâng cao khả năng nhận biết, diễn đạt và điều chỉnh cảm xúc; thể hiện sự kiên nhẫn, đồng cảm, giao tiếp lành mạnh với các con. Giáo viên có năng lực SEL sẽ điều tiết cảm xúc tốt hơn, ảnh hưởng tích cực trong khi giảng dạy và tạo ra môi trường học tập an toàn.
Chương trình giáo dục SEL tại Tiểu học & THCS Thực nghiệm Victory
Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory là một trong những hệ thống tiên phong đưa môn SEL vào chương trình giảng dạy giúp học sinh hình thành các năng lực thiết yếu của thế kỷ 21.
Chương trình giáo dục SEL tại Thực nghiệm Victory giúp học sinh áp dụng hiệu quả kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để hiểu quản lý cảm xúc; thiết lập và đạt được các mục tiêu tích cực, cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm với người khác; thiết lập và duy trì các mối quan hệ tích cực, đưa ra các quyết định có trách nhiệm.
Cơ sở thiết kế bộ môn SEL của Thực nghiệm Victory dựa trên mô hình Giáo dục cảm xúc xã hội của Tổ chức CASEL (Tổ chức cộng tác vì Học thuật, Xã hội và Giáo dục Cảm xúc) kết hợp với chương trình hoạt động trải nghiệm sáng tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ môn SEL dự kiến sẽ gồm 30% kiến thức lý thuyết, 70% thực hành, trải nghiệm.
Song hành với các hoạt động của bộ môn SEL, nhà trường sẽ tổ chức các buổi tham vấn tâm lý 1 – 1, tham vấn tâm lý nhóm; các hoạt động giáo dục tâm lý toàn trường cho các em học sinh, các workshop hàng tháng dành cho phụ huynh và đào tạo giáo viên nội bộ.
“Nhà trường kỳ vọng, việc đưa vào giảng dạy bộ môn SEL và đẩy mạnh các hoạt động Tâm lý học đường sẽ giúp các Vicsers có được một môi trường học tập tích cực, an toàn; giúp học sinh cũng như phụ huynh và giáo viên có được kỹ năng cần thiết của thiên niên kỷ mới để cùng chung tay xây dựng môi trường học tập an toàn, những thế hệ học sinh hạnh phúc”, NGƯT Lê Tiến Thành, Hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS Thực nghiệm Victory cho biết.