Xem chi tiết tại: https://giaoduc.net.vn/suc-khoe-hoc-duong/day-truc-tuyen-khong-the-nong-voi-khien-cac-con-so-hoc-post220190.gd
GDVN – Học trực tuyến kéo dài gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, nhất là thị lực của trẻ, dù vậy đây là giải pháp bắt buộc trong lúc có dịch.
Chủ động kế hoạch triển khai nhiều phương án
Hiện nay, Hà Nội vẫn đang tiến hành thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, nhiều trường học trên địa bàn đã có kế hoạch học tập với các phương án khác nhau để đối phó nếu tình hình dịch bệnh kéo dài.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú Lê Tiến Thành – Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Thực nghiệm Victory cho biết: “Nhà trường đã sẵn sàng triển khai việc dạy học với hai kịch bản. Dạy trực tiếp nếu được phép và dạy trực tuyến nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Kế hoạch năm học triển khai trong 10 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 8/2021 và kết thúc năm học vào 25/5/2022.
Giáo viên được tập huấn chuyên môn dạy học trực tuyến, chuyển giáo án dạy trực tiếp sang giáo án dạy trực tuyến ở tất cả các khối lớp.
Giáo viên có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh đồng thời rèn luyện nề nếp tự học và phân hóa nhóm học sinh cũng như thường xuyên kiểm tra, tăng cường bài tập về nhà phù hợp với trình độ và mục tiêu của học sinh
Ngoài ra, nhà trường đã chủ động chuẩn bị các hoạt động giáo dục khác như hoạt động ngoại khóa, tham quan dã ngoại… khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhà trường có cơ hội triển khai”.
Theo thầy Lê Tiến Thành, diễn biến dịch bệnh phức tạp, học sinh lúc nghỉ, lúc học, khiến kiến thức “rơi rụng” nhiều do phải thay đổi phương pháp học trực tiếp sang trực tuyến. Thời lượng học tập giảm, các thí nghiệm không thể triển khai, hoạt động trải nghiệm bị cắt giảm, bài toán chất lượng là thách thức lớn.
Việc triển khai học trực tuyến cũng khiến giáo viên chịu nhiều sức ép, mâu thuẫn giữa điều kiện và chất lượng ngày càng cao. Thời gian lao động tăng, yêu cầu chuyên môn cao mới đáp ứng được đòi hỏi của học sinh, phụ huynh học sinh, trong khi tiền lương chỉ được 50% – 70% so với bình thường nên tâm lí giáo viên dễ mệt mỏi, chán nản.
“Triển khai học trực tuyến phải được sự ủng hộ, đồng lòng của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, khi triển khai do lo lắng về chất lượng không được đảm bảo, yêu cầu cao nên dễ chỉ trích những chủ trương của nhà trường về môn học, thời lượng học, học phí….”, thầy Thành nói.
Cũng chia sẻ về chủ động triển khai các phương án học trực tuyến, cô Lê Thị Bích Dung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường liên cấp Newton cho hay: “Trường đã lên kế hoạch dài hạn, tìm giải pháp phù hợp và ổn định để xác định ‘sống chung với Covid’, vì vậy luôn chú trọng việc đưa bài giảng điện từ vào giảng dạy 100% ở tất cả các khối lớp.
Nhà trường đã xây dựng và tích luỹ thư viện bài giảng điện tử của tất cả các môn học và các khối lớp. Nhờ cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm như vậy, đây là lợi thế của hệ thống trường trong tình hình dạy và học trực tuyến”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và đảm bảo thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022, nhà trường đã triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 dạy học trực truyến trong 2 tháng (tháng 8 và tháng 9) và bắt đầu từ ngày 16/8.
Phụ huynh và thầy cô cần cảm thông, yêu thương học sinh nhiều hơn
Việc dạy và học trực tuyến theo cô Lê Thị Bích Dung mở ra nhiều cơ hội. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi trong cách nghĩ, bởi thế giới thay đổi, xã hội thay đổi, việc học và làm việc online cũng đã thay đổi rất nhiều.
Nhà trường muốn tạo ra một thế hệ học sinh vững vàng trong các kỳ thi online, làm việc online, cách tiếp cận thế giới online. Vì vậy, mong phụ huynh cũng có chung chí hướng dạy con theo cách đó, đã đến lúc việc dạy và học online là tất yếu chứ không phải là giải pháp ngắn hạn.
Tuy nhiên, điều này cũng mang lại không ít thách thức cho cán bộ, giáo viên nhà trường. Việc tiếp thu kiến thức thông qua phương pháp học trực tuyến phụ thuộc vào đặc điểm từng độ tuổi, khối lớp khác nhau. Đối với tiểu học, để học trực tuyến hiệu quả cần có phụ huynh bên cạnh để hướng dẫn. Khối học sinh trung học cần nhất sự tự giác và ý thức học tập của các em.
Vì vậy, cô Lê Thị Bích Dung cho rằng, để học online hiệu quả cần sự phối hợp của cả nhà trường và gia đình. Đặc biệt đối với học sinh tiểu học cần bố mẹ, người thân sát sao để bài học trên Internet được giám sát hiệu quả, đảm bảo chất lượng và vận dụng kiến thức tốt.
“Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn đang cho rằng học trực tuyến là một giải pháp tình thế và không thể hiệu quả bằng học trực tiếp trên lớp nên đôi khi phụ huynh đang còn xem nhẹ phương pháp học tập này, khiến hiệu quả học tập chưa được tối ưu.
Bên cạnh đó, không phải cha mẹ học sinh nào cũng có thời gian để kèm cặp và theo dõi con, vì vậy gây nên những hạn chế không đáng có trong việc triển khai giảng dạy trực tuyến”, cô Dung bày tỏ.
Mặc dù tồn tại một số hạn chế, song việc tổ chức dạy học trực tuyến là điều cần thiết trong tình huống hiện tại. Nhà trường đã xây dựng một hệ thống giảng dạy trực tuyến chặt chẽ như tạo ra các bài kiểm tra, các bài tập, bài khảo sát, nhiệm vụ cho học sinh (để học sinh có thể tương tác trực tiếp đối với bài giảng); Dạy trực tuyến (qua zoom), xây dựng bài giảng điện tử để tương tác trực tiếp đối với nội dung…
Chia sẻ về nội dung này, Nhà giáo Ưu tú Lê Tiến Thành cho biết: “Biện pháp khắc phục khó khăn trong dạy và học trực tuyến của trường là tạo tâm lý thoải mái cho học sinh dần dần qua từng tuần học.
Đầu tiên là làm quen với thầy cô và các bạn, nội quy học trực tuyến, cách học trực tuyến. Nội dung kiến thức học vừa phải, tập trung vào rèn nề nếp, dạy học sinh cách học, phương pháp dạy học linh hoạt, hình thức phong phú để học sinh thấy vui và thích học.
Trong thời gian đầu học trực tuyến nhà trường điều chỉnh giảm lượng bài tập, giảm thời lượng học mỗi tiết để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho học sinh. Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài trước ở nhà qua đọc sách, trải nghiệm thực tế, có thêm phiếu học tập, bài tập bằng bản cứng để giảm thời gian tiếp xúc với máy tính. Có kế hoạch bù kiến thức để đảm bảo chất lượng cuối năm”.
Theo thầy Lê Tiến Thành, học trực tuyến kéo dài khiến học sinh bị ảnh hưởng sức khỏe, nhất là thị lực, sau đó là thách thức về chất lượng học tập. Dù vậy đây là giải pháp bắt buộc khi có dịch bệnh.
Để giúp trẻ có thói quen và học tập nghiêm túc, nhà trường vận động phụ huynh dành thời gian học cùng con trong những ngày đầu, hỗ trợ kỹ thuật sử dụng thiết bị… Tăng cường thông tin hai chiều giữa giáo viên và cha mẹ, chia sẻ kịp thời giúp các con học tập tốt nhất.
“Không thể nói chất lượng dạy trực tuyến bằng dạy trực tiếp, từ đó thầy cô và cha mẹ cần cảm thông và yêu thương học sinh hơn. Không nóng vội, máy móc chạy theo phân phối chương trình, kế hoạch năm học để dồn ép, áp đặt tạo tâm lý căng thẳng làm các con chán học, sợ học.
Hiệu trưởng phải giúp giáo viên lựa chọn tinh giản nội dung, giảm nhẹ yêu cầu cần đạt, tổ chức các hình thức học tập đa dạng, có phương pháp dạy linh hoạt, giao quyền chủ động cho giáo viên, động viên giáo viên sáng tạo trong tổ chức, hướng dẫn học tập cho học sinh. Giáo viên được tin tưởng, được giải phóng, được tự chủ là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục nhà trường”, thầy Thành chia sẻ
Để công tác dạy và học trực tuyến phát huy hiệu quả, thầy Thành nêu quan điểm: “Các cơ quan quản lý giáo dục nên có những hướng dẫn về nguyên tắc cụ thể làm hành lang pháp lý cho hoạt động dạy học của nhà trường, trao cho nhà trường quyền tự quyết, tự chủ trên nguyên tắc. Trong công tác chỉ đạo nên giảm bớt những quy định chồng chéo, rườm rà gây khó khăn cho việc triển khai, thực hiện của các trường.
Bên cạnh đó cần cung cấp các phần mềm công nghệ, huy động nguồn tài nguyên giáo dục số cấp cho các nhà trường để giảm nhẹ lao động và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, xã hội”.