Tối ngày 3/11, tôi đọc tin về cậu học trò lớp 9 nhảy từ tầng 3 xuống sau khi cậu bị một nhóm bạn có những hành vi xúc phạm liên tục trong một buổi học.
Thật may mắn là bạn còn sống, dù phải chịu những chấn thương nặng sau hành động này. Nhưng với những người làm giáo dục như chúng tôi, thì nỗi buồn về vấn nạn bạo lực học đường lại nhiều thêm, khi nó là nỗi ám ảnh của bao nhiêu thế hệ học trò, mà chính tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Ngày khai giảng năm học mới 2022 – 2023 với tôi là một ngày đáng nhớ. Trường Alpha School (một ngôi trường trong hệ thống giáo dục của Tập đoàn EQuest) đã chọn cách bắt đầu năm học mới bằng lời tuyên thệ phòng chống bắt nạt học đường từ tất cả các học sinh và thầy cô giáo trong trường, với slogan “Be a Buddy, not a Bully” – “Hãy là bạn tốt, đừng là kẻ bắt nạt”.
Học sinh Alpha School ký cam kết phòng chống bắt nạt học đườngKhông hoa lá cành, không hứa hẹn sáo rỗng, không màu mè, các bạn học sinh Alpha, nhà trường và phụ huynh đã cùng ký cam kết để làm những điều rất cụ thể như: Không gọi tên bạn bằng những biệt danh gây tổn thương; không lan truyền tin đồn; không động chạm vào bạn nếu bạn không đồng ý. Bản cam kết này nhận được sự đồng thuận 100% từ thầy cô, học sinh và tất cả các phụ huynh trong trường.
Với tôi, sự kiện này đáng nhớ, vì đó là giấc mơ của tôi suốt thời đi học.
Tôi sinh ra là một đứa trẻ yếu ớt và nhỏ bé, nên bị bắt nạt là nỗi sợ và ám ảnh lớn nhất thời đi học của tôi. Tôi cũng không thể lúc nào cũng mách bố mẹ được, vì càng mách thì càng dễ bị ăn đòn trả thù.
Nhớ lại ngày xưa khi đỗ vào trường chuyên Hà Nội – Amsterdam (“trường Ams”), niềm hạnh phúc lớn nhất với tôi không phải là sự danh giá của ngôi trường hay niềm tự hào của cha mẹ, mà thực ra chỉ là tôi sẽ không còn bị bắt nạt nữa: không còn cảnh phải đi học thật sớm hoặc về thật muộn để tránh bị mấy cậu bạn đầu gấu; không còn cảnh suốt ngày bị gọi bằng các biệt danh miệt thị ngoại hình, v.v.
Trước đó, tôi đã phải học rất nhiều cách để “sinh tồn” và “tránh bị bắt nạt” trong hoàn cảnh sống như thế, nhưng dù có tránh đến mấy, thì cũng đã vài lần, tôi phải đánh nhau với những bạn to con hơn tôi rất nhiều, chịu đủ thương tích, khi tôi bị ức hiếp đến mức không chịu được nữa. Nỗi ám ảnh đó chỉ kết thúc khi tôi bắt đầu vào học ở trường Ams. Chỉ khi đó tôi mới được yên ổn và hạnh phúc mỗi ngày đến trường.
Thật ra bạo lực học đường là vấn nạn của mọi nền giáo dục. Theo một thống kê của Unicef năm 2018, cứ 3 học sinh trong độ tuổi 13- 15, thì có một em từng bị bắt nạt. Cứ 10 sinh viên tại 39 quốc gia công nghiệp thì có 3 em thừa nhận đã từng bắt nạt bạn. Trong năm 2017, có gần 720 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học sống ở các quốc gia mà việc trừng phạt thân thể trong nhà trường không bị cấm.
Sau này, khi đồng sáng lập nên một tổ chức chuyên đầu tư vào giáo dục, tôi đã hình dung về những ngôi trường mà chúng tôi sẽ có: Về chất lượng, đó phải là nơi cung cấp những sản phẩm giáo dục đạt tiêu chuẩn quốc tế, với giá cả phù hợp. Về môi trường, đó phải là nơi mà trẻ con cảm thấy an toàn về thể chất và tinh thần, cũng như tự tin và hạnh phúc khi đến trường. Ngôi trường mà một đứa trẻ nên học phải là một ngôi trường khiến các bạn ấy phải cảm thấy “đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường háo hức một ngày vui” – như triết lý của thầy Hồ Ngọc Đại khi xây dựng trường Thực nghiệm.
Xây dựng một ngôi trường không có bạo lực học đường là một điều không hề dễ dàng, kể cả với những nền giáo dục tiên tiến nhất, ở những quốc gia phát triển nhất thế giới.
Nhưng tôi vẫn tin là, khi mà các thầy cô, các bậc phụ huynh và các phụ huynh đều cùng ý thức, cùng hợp tác, thì ám ảnh về bạo lực học đường sẽ được giảm đi rất nhiều.
Nếu không được giải thích và dạy kỹ, rất nhiều học sinh, thậm chí kể cả thầy cô giáo và các phụ huynh không hiểu thực sự và đầy đủ thế nào là bạo lực học đường: Khi một học sinh bị bạn bè chê bai về ngoại hình hay đặt cho những nickname (biệt danh) mà mình không thích, đó là bạo lực học đường; khi thầy cô phạt một học sinh lười làm bài tập bằng cách bắt học sinh đó chép đi chép lại dòng chữ “tôi là một kẻ lười biếng”, đó cũng là bạo lực học đường. Thao túng cảm xúc học sinh và giáo viên để dễ bề quản lý cũng là một hình thức “bạo lực” vô hình (Tập đoàn chúng tôi đã từng chia tay những cộng sự sử dụng thủ thuật thao túng cảm xúc để lãnh đạo như vậy).
Vậy nên bạo lực học đường, có thể là hành vi gây ra những chấn thương thể xác, nhưng đôi khi cũng bao gồm cả những hành động gây nên tổn thương về mặt tinh thần. Nhiều khi chính những người tạo ra sự tổn thương đó cũng không hề ý thức được tác hại của việc mình làm.
Để có thể cùng nhau ký vào bản cam kết nói không với bạo lực, Phòng Tâm lý Học đường đã phải chuẩn bị trong nhiều tháng trời, để mở những lớp tập huấn cho cả thầy cô, học sinh và phụ huynh, trang bị các kiến thức về: (1) Hành vi thế nào là bạo lực học đường, (2) Các dấu hiệu nhận biết bạn đang là nạn nhân hoặc là người gây ra bạo lực học đường, (3) Các biện pháp phản ứng cần thiết để bảo vệ mình khi trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường…vv…
Cả thầy cô, học sinh và phụ huynh nhà trường đều được trang bị kiến thức về bạo lực học đường để nhận diện đúng các hành vi bắt nạt, biết cách bảo vệ các học sinh bị bắt nạt, giúp đỡ các học sinh bắt nạt và không gây ra những hành vi mang tính bạo lực hoặc cận bạo lực dù là vô tình.
Nhưng điều quan trọng nhất đối với chiến dịch phòng chống bạo lực học đường là chúng tôi không coi những học sinh có hành vi bạo lực là những học sinh cá biệt, cần phải trừng phạt bằng những hình phạt nặng nề. Chúng tôi giúp đỡ cả các em học sinh bị bắt nạt và các em có hành vi bắt nạt.
Giải pháp mà chúng tôi đưa ra là khi học sinh nào đó có hành vi bắt nạt bạn, đầu tiên là tìm hiểu nguyên nhân của sự việc, hướng dẫn các em nhận thức và điều chỉnh hành vi đúng, rồi tiến hành hòa giải giữa người bắt nạt và người bị bắt nạt, để bảo vệ tình bạn trong trường học.
Thay vì xử phạt, phòng Tâm lý học đường sẽ dành nhiều thời gian với những học sinh hay bắt nạt bạn, để tìm hiểu xem liệu em học sinh ấy có khó khăn gì trong cuộc sống (kể cả ở nhà hay trong môi trường học tập), hay cần hỗ trợ gì về tâm lý, dẫn đến việc có thói quen bắt nạt bạn như một cách giải tỏa hay không?
“Hình phạt” nặng nhất mà chúng tôi dành cho các học sinh bắt nạt bạn cũng là những “hình phạt” mang tính giáo dục: Ví dụ như chủ động xây dựng lại tình bạn tốt đẹp với các bạn, dành các buổi chiều cuối ngày liên tục trong một vài tuần để xếp lại tủ sách ở thư viện, làm trợ giảng cho các thầy cô giáo, trang trí lại một bức tường đã bị cũ bẩn…
Trong mỗi lớp học đều treo một bản cam kết Phòng chống bắt nạt học đường với đầy đủ chữ ký của cô, thầy và các học sinh của lớp, để nhắc mỗi thành viên rằng họ luôn là một đại sứ phòng chống bắt nạt học đường. Trong các buổi chào cờ, trường đều ghi nhận các đại sứ học sinh đã có những đóng góp tích cực, góp phần xây dựng ngôi trường an toàn, hạnh phúc.
Những nỗ lực của chúng tôi nói riêng hay của tất cả chúng ta nói chung, sẽ không thể khiến cho nạn bạo lực học đường bị xóa bỏ một cách tuyệt đối, nhưng tôi tin nó sẽ giảm. Và quan trọng nhất, khi được trang bị kiến thức về bạo lực học đường, sẽ không có ai “vô thức” trở thành kẻ bắt nạt, hay là nạn nhân bị bắt nạt, mà không hay biết.
TS.Nguyễn Quốc Toàn
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc EQuest Education Group.