Trong một buổi tối cuối tháng 6/2020, chị Hương băn khoăn quay sang hỏi con: “Con thích học hệ Chất lượng cao hay Song ngữ Mỹ của Victory”. Hữu Việt nhăn mặt một chút rồi trả lời mẹ như bao lần: “Lớp nào cũng được ạ.” Cậu không biết quá rõ về sự khác nhau giữa hai lựa chọn ấy, cũng không cần hỏi thêm bởi cậu biết mẹ luôn quyết định phương án tốt nhất. Hữu Việt không rõ mình muốn gì nhưng cậu chắc chắn không muốn làm mẹ buồn.
“Hồi đó, con nghĩ con luôn đúng…”
Ngày đầu tiên tham gia trại hè tại Victory, Hữu Việt đã khóc.
Buổi trải nghiệm tiếng Anh hôm đó, thầy David chia lớp thành 4 nhóm để thi đấu – đội nào biết nhiều từ vựng về chủ đề hôm nay hơn. Hữu Việt tự tin sẽ giành chiến thắng, đúng hơn là cậu muốn chiến thắng. Sau nhiều lượt thi đấu, cậu chỉ cách chiến thắng 1 từ cuối cùng và 1 đội “đối thủ”. Tuy nhiên, ở thời điểm quyết định, Hữu Việt nhìn lên những vệt phấn trên bảng mà không hiểu gì. Cậu bắt đầu đỏ mặt. Bên cạnh, Trâm Anh, nhóm trưởng đội “đối thủ” nhanh chóng ghi đáp án, không chút lưỡng lự. Khi thầy tuyên bố kết quả, Hữu Việt ném phấn vào hộp và đi xuống cuối lớp gục xuống bàn khóc.
Đó không phải lần duy nhất Hữu Việt khóc và tức giận.
Cậu chưa bao giờ cảm thấy “thua cuộc” ở trường tiểu học. Từ lớp 1 đến lớp 5, cậu luôn là một trong những học sinh giỏi nhất của lớp. “Hồi đó, con thấy khả năng tiếng Anh của mình cũng được, con nghĩ tiếng Anh dễ. Tiếng Việt hiếm khi con bị dưới điểm 8. Còn Toán, đó là môn con thích nhất.” Dễ hiểu khi học đều các môn, Hữu Việt thích phát biểu ý kiến, nhưng hiếm khi cậu kiên nhẫn đợi cô giáo giảng xong hoặc gọi mình trả lời. Đó là lý do cậu luôn được nhắc nhở không được “nói leo”, mất trật tự hay làm việc riêng. Trong những tình huống như vậy, cậu có một thần chú quen thuộc: “Sao cô, con có làm gì đâu.”
Niềm tự hào về bản thân theo Hữu Việt đến ngôi trường cấp 2 mới, nhưng sự tin tưởng đó lần lượt bị “bẽ gãy”.
Ở Victory, hầu như tháng nào cũng có dự án nghiên cứu và thuyết trình. Hồi tiểu học, Hữu Việt hiếm khi phải thuyết trình chứ chưa nói đến làm việc với các bạn cùng lớp trong một dự án học tập. Tuy nhiên, Hữu Việt không cần ai giúp đỡ bởi chẳng có ý kiến của ai trong lớp đúng ý của cậu, kể cả thầy cô hướng dẫn chỉnh sửa.
Trong ba buổi thuyết trình đầu tiên, Hữu Việt luôn xuất hiện với 3 trang giấy soạn sẵn, đọc một mình trước lớp, ấp úng và không liên kết gì với slide các bạn cùng nhóm chuẩn bị trên màn chiếu. “Con dần cảm thấy mình thất bại cô ạ. Con ghét tình huống đó, con ghét mình thua cuộc.” Cậu tức tối và khóc.
15 tiết tiếng Anh của lớp Song ngữ Mỹ là 675 phút khó khăn nhất mỗi tuần của Hữu Việt. Số tiết tiếng Anh gấp 5 lần ở trường tiểu học và môn học này không “dễ” như cậu tưởng. Sự “cũng được” ở lớp 5 không giúp cậu tự tin hơn. “Rất nhiều từ mới, các bạn nói rất tốt, có bạn Trâm Anh từ Nam Phi nói tiếng Anh như gió.” Trong hầu hết tiết học, cả lớp đều nói tiếng Anh, Hữu Việt có thể nghe hiểu nhưng tuyệt nhiên không dám nói gì nhiều. Bởi cậu không quen giao tiếp, ngày trước cậu chỉ học chắc học ngữ pháp. Cậu sợ, “lỡ mình phát âm sai”. Hữu Việt khó chịu và thường xuyên cãi thầy cô giáo, thực chất, “con tức giận với chính con”.
Giờ học Toán – môn học Hữu Việt yêu thích nhất là bức tường thành cuối cùng bảo vệ niềm tự hào của bản thân. Cậu tiếp tục nói leo và luôn miệng câu nói quen thuộc “Sao cô, con có làm gì đâu”. Tuy nhiên, lần này, khi cậu cãi và ném đồ đạc xuống đất, cô giáo không mắng như ở tiểu học, cậu được yêu cầu sang phòng trống ở bên. Hữu Việt lẩm bẩm và tức tối đi ra khỏi lớp.
“Con tức giận với tất cả, nhưng mọi người thì…”
“Con bình tĩnh chưa? Chúng ta cùng nói chuyện nhé!” luôn là câu nói đầu tiên khi cô Ngọc – giáo viên dạy Toán cũng chủ nhiệm của lớp bước vào phòng Hữu Việt ngồi chờ phạt.
“Con có muốn cô kèm tiếng Anh riêng cho con sau giờ học không?” “Do you want to practice speaking English with me? – Em có muốn luyện nói với thầy không?” – thầy David và cô Quỳnh Anh gợi ý hỗ trợ Hữu Việt ở những kỹ năng tiếng Anh còn yếu.
“Cậu làm bài này chưa đúng đâu, để tớ chỉ cho”, “Lần này hãy thảo luận nhóm với chúng tớ, dự án sẽ không hoàn thiện nếu thiếu phần của cậu!” Các bạn trong lớp vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ Hữu Việt mỗi khi thấy cậu loay hoay.
Hữu Việt thấy kỳ lạ và bối rối.
Chiều 13/11/2020, thầy Quyền – giáo viên Mỹ thuật của trường nói lời chia tay với hai lớp 6A1 và 6E1 trước khi chuyển công tác. Thầy tổ chức buổi “cho chữ” như lời dặn dò cuối cùng dành cho từng học sinh. Hữu Việt được thầy tặng bức thư pháp có chữ “Nhẫn”.
Đêm hôm đó, cậu học sinh lớp 6 ngang bướng, nghịch ngợm ngồi yên trong phòng rất lâu. Cô Ngọc luôn tâm sự “những người càng giữ được bình tĩnh thì càng giỏi”. Hữu Việt không rời mắt khỏi chữ “Nhẫn” treo trên tường và nghĩ về câu nói của cô chủ nhiệm. “Trước đây, con hay nổi cáu với lời nói của thầy cô, của bạn bè, nhưng mọi người không như vậy với con. Đa số các bạn lúc thua cũng không tức.” Hữu Việt nghĩ mình cần thay đổi. Đầu tiên là cần “kiểm soát trong đầu, con cố gắng không nói lời khó chịu lúc tức giận.”
“Các bạn khác học tốt hơn thì mình phải cố gắng gấp nhiều lần nữa. Con biết con yếu cái gì.” Hữu Việt bắt đầu cải thiện kỹ năng tiếng Anh, cậu nhờ thầy cô, bạn bè và mẹ giúp đỡ. Trên lớp, thầy David giao cho Hữu Việt nhiều quyển sách để tập đọc, bài tập viết rồi gửi trước nội dung để thầy sửa ngữ pháp. Sau đó, cậu sẽ luyện tập với thầy để tập phát âm chuẩn, sử dụng ngữ điệu, dùng ngôn ngữ cơ thể… Về nhà, Hữu Việt xem nhiều phim hoạt hình bằng tiếng Anh và nói theo. Bất kỳ từ mới nào cũng không khiến cậu sợ hãi nữa mà trở thành “kho báu” kích thích trí tò mò và mong muốn tìm hiểu của cậu. Tra từ điển – Luyện tập phát âm – Xem lại phim hoặc sách – Quên từ – Tra từ điển – Luyện tập sử dụng – Xem lại…, mất khoảng 3 – 4 lần xem để cậu nhớ từ và cách dùng. Mỗi lần như vậy cậu lại thấy vui vì mình gần môn tiếng Anh hơn một chút.
Cô Quỳnh Anh thường xuyên cho làm bài kiểm tra, mỗi lần bạn nào đạt điểm kém cô sẽ kèm riêng cho đến khi nắm chắc kiến thức phần đó. Cô Quỳnh Anh là một trong những cô giáo mà Hữu Việt yêu mến nhất bởi sự chỉ dạy tận tình và nhẫn nại với cậu trong mỗi buổi học. Cô là người truyền cảm hứng và sự dũng cảm để cậu thử nói, thử thuyết trình bằng tiếng Anh.
Không còn ám ảnh về chiến thắng nữa, Hữu Việt cởi mở tranh luận ý kiến cùng các bạn. Trong cuộc thi thiết kế trại hè, cậu chủ động rủ Thái Bảo, Tuyển, và Việt Anh làm chung dự án. Cậu phân công việc cho các bạn, hẹn ngày nộp, tổng hợp, chỉnh sửa và gửi lại cho cô. Đồng thời Hữu Việt cũng báo cáo quá trình làm việc nhóm để cô giáo nhắc nhở các bạn. Với tinh thần trách nhiệm của mình, thầy cô giáo không ngạc nhiên khi Hữu Việt dẫn dắt nhóm thuyết trình giành giải 3 chung cuộc.
Gần như mọi mặc cảm đều đã được Hữu Việt gỡ bỏ, chỉ còn “bức tường thành” cậu từng yêu thích nhất giờ trở thành nỗi lo sợ lớn nhất. “Dù thích nhưng con không nghĩ có thể đạt giải thưởng gì về toán.”
Trước khi ôn thi vào cấp 2, Hữu Việt tham gia lớp học ôn của cô giáo dạy chuyên nổi tiếng. “Có lẽ vì lớp học đông quá nên cô chỉ chú ý những bạn học giỏi, giải được bài tập thôi. Con đi học chỉ ghi lại bài tập, bài giải. Con không hiểu lắm nên con nghĩ mình không giỏi”.
“Nhưng học Toán ở Vic thì khác cô ạ.”
Sáng 11/3/2021, Hữu Việt háo hức cất mô hình kiến trúc tháp Eiffel vào cặp để chuẩn bị cho buổi thuyết trình dự án “Số đo góc và các công trình kiến trúc nổi tiếng”. Ứng dụng kiến thức toán học vào thực tế giúp Hữu Việt dễ hình dung và hiểu bài rất nhanh. Cậu thích “huy động” kinh nghiệm trong các tiết học dự án mỗi lúc gặp bài toán khó. Đặc biệt khi bài tập về nhà, cậu hay liên tưởng. Ví như bài toán độ dài quãng đường từ thời gian và vận tốc, Hữu Việt đã nhờ mẹ trong lúc đi làm ghi lại số đo trên “công tơ mét” để tính kết quả vì cậu nhẩm thấy quãng đường mẹ đi tương tự đề bài. “Như vậy mà kết quả cũng gần đúng cô ạ”.
Giữa tháng 3, cậu được mẹ hỏi lựa chọn đội tuyển học sinh giỏi nào. Cậu vẫn trả lời câu quen thuộc: “Đội tuyển nào cũng được ạ.” Nhưng trong thâm tâm, lần này cậu đã có lựa chọn. Cậu cầu mong nhưng không nói ra vì sợ sai ý thì mẹ buồn, “Thật may, mẹ chọn môn toán.”
Tham gia lớp học sinh giỏi toán, Hữu Việt được tiếp cận chuyên sâu hơn thế giới cậu yêu thích. Cậu thích những ví dụ, những lời giải thích cặn kẽ của cô Ngọc. Đặc biệt, cậu luôn nhớ từng lời dạy của cô giáo cậu mến phục nhất: “Học toán, con không chỉ tiếp nhận kiến thức, không đơn thuần học thuộc và làm đi làm lại nhiều dạng bài mà phải học cách tư duy. Tư duy toán học mới là cái con dùng suốt cuộc đời.”
“Hữu Việt rất sáng tạo. Có nhiều dạng bài học sinh giỏi Hữu Việt chưa từng gặp nhưng con không đợi cô giáo hướng dẫn, con sẽ tư duy để tìm và hình thành lời giải, có thể không giống đáp án mẫu nhưng vẫn đúng theo cách mở hơn” – Cô Ngọc tự hào chia sẻ về Hữu Việt. Cậu thích những giờ chữa bài của cô Ngọc bởi cô đều khen nếu đáp án đúng dù khác trong sách giải hoặc cô sẽ phân tích cẩn thận vì sao chưa đúng và hướng dẫn cách điều chỉnh. Cậu cảm thấy mình được công nhận.
Đầu tháng 5, Hữu Việt vượt qua hơn 15 bạn trong đội tuyển toán để trở thành một trong hai đại diện của trường THCS Thực nghiệm Victory tham gia Cuộc thi giao lưu Học sinh giỏi quận Hà Đông. Trái ngọt đầu tiên cho những nỗ lực không biết mệt mỏi suốt một năm học của cậu. Tuy nhiên, đó chưa phải đích đến của chàng trai từng là “gì cũng được”. Hữu Việt vẫn đang tiếp tục khám phá năng lực và phát triển bản thân để tìm kiếm “phiên bản tốt hơn của con”.
Đầu học kỳ II, lớp 6A1 đón học sinh mới – Thành Tuyển. Tuyển ấp úng khi đứng trước lớp thuyết trình, hầu như im lặng trong các giờ tiếng Anh và bối rối mỗi lúc làm việc dự án. Thấy vậy, Hữu Việt chủ động nói chuyện với Tuyển: “Để tớ chỉ cậu làm bài này nhé!”.