THCS

Trang chủ / THCS

VICSERS LUẬN VỀ “CÁI TÔI” TỪ MỐI QUAN HỆ TRONG PHÂN SỐ

Nếu nói về Toán học, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là gì?

– Những con số, những tiên đề, những định lý… –

Hay sự khô khan, khó hiểu, không giúp ích gì cho cuộc sống ngoài phép cộng, trừ, nhân, chia…

Đó có thực sự là những gì Toán học dạy cho chúng ta?

“Không phải! Đó không phải góc nhìn của cô trò Victory đối với “bà chúa của khoa học” này (Carl Friedrich Gauss). Vẻ đẹp của Toán học mà chúng tôi trân trọng khám phá chính là tư duy, là sự tổng quát hóa, là mối liên hệ giữa những yếu tố quy ước trong nó, và nếu nhìn nhận, áp dụng rộng hơn, đó cũng là mối liên hệ giữa những “thành tố” của cuộc sống”, cô Bùi Thị Ngọc – giáo viên môn Toán, Trường THCS Thực nghiệm Victory chia sẻ.

Vì vậy, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu bạn thấy một VICser đang nghiên cứu kiến trúc các công trình lịch sử, tính toán phương án kinh doanh hay lang thang ngoài sân trường cùng một sợi dây trong giờ toán học… Đặc biệt, gần đây nhất, trong tuần học trực tuyến, các bạn khối 6 còn suy ngẫm mối quan hệ giữa “cái tôi” và “kiến thức” từ phân số đặc biệt “CÁI TÔI = 1/KIẾN THỨC” của nhà bác học Albert Einstein.

Hãy cùng lắng nghe cách VICser Nguyễn An Nhiên – 6A1 chiêm nghiệm và tư duy về sự liên kết thú vị giữa cuộc sống và Toán học như thế nào nhé:

“Toán học là một môn học quen thuộc đối với chúng ta. Nhắc tới Toán, ta không thể không nhắc tới một nhà bác học vĩ đại – Einstein. Ông được biết đến với vô vàn phát minh kỳ thú cùng những kiến thức Toán học thú vị. Ngoài những điều đó, ông còn được biết đến với những câu nói nổi tiếng. Ông đã nói rằng: “Cái tôi = 1/Kiến thức”

Vậy câu nói này có ý nghĩa như thế nào? Dễ hiểu nhất thì 1 chính là tử, còn kiến thức là mẫu. Và “cái tôi” chính là ông Einstein, là kết quả của phép chia. Ý của ông ở đây muốn nói rằng: “Tất cả các kiến thức của ông có nhiều thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là một phần của bầu trời kiến thức mênh mông mà thôi”. Có thể ở đâu đó, ở một đất nước bí ẩn xa xôi khác, còn những kiến thức khác đang tồn tại mà chúng ta chưa khám phá ra. Bầu trời kiến thức cực kỳ vô tận, ta không thể biết khi nào là điểm cuối. Dù có học hỏi được bao nhiêu kiến thức đi chăng nữa, vẫn còn nhiều điều mà ta chưa biết, chưa nhìn thấy.

Đối với chúng ta, ông Einstein thực sự rất giỏi và khối lượng kiến thức của ông rất đáng nể. Tuy nhiên, đấy chỉ là suy nghĩ, là cái nhìn của “những kẻ bình thường”. Còn dưới lăng kính của ông Einstein – một lăng kính mộng mơ, hiểu biết và xuất sắc hơn rất nhiều, thì đó chỉ là một điều nhỏ bé mà thôi. Một điều vô cùng nhỏ bé trong bầu trời kiến thức rộng bao la mà ta vẫn hằng mơ tưởng, một bầu trời mà ta mãi mãi chẳng thể với tới.

Hiểu đơn giản là như vậy, còn nếu các bạn muốn hiểu sâu xa hơn thì phải dựa vào một kiến thức trong Toán học. đó chính là tỉ lệ nghịch. Vậy tại sao lại là tỉ lệ nghịch nhỉ? Nếu ta muốn trở nên thông thái, muốn biết được nhiều kiến thức trong Toán học thì đương nhiên ta phải cố gắng học hỏi và tìm hiểu thật nhiều. Toán học giúp ta trở nên điềm tĩnh hơn, bởi khi đó, những bài toán kỳ thú hay những công thức thú vị sẽ khiến ta dồn hết tâm sức. Bản thân ta đã tự hạ mình xuống để biết được thêm vô vàn kiến thức. Còn khi ta quá kiêu ngạo, lúc nào cũng chỉ biết khoác lác rồi tự đặt mình lên quá cao, thứ ta nhận được chỉ là lượng kiến thức ít ỏi. Vậy là khi đó, cái tôi đã quá cao, thì kiến thức sẽ hạn hẹp. Qua một vài dòng trên, chắc các bạn cũng hiểu được ý mình muốn nói rồi chứ? Đó là muốn có thật nhiều kiến thức và đi dạo quanh khu phố kiến thức, ta phải tự hạ thấp cái tôi xuống. Đổi lại, nếu ta vẫn còn đặt cái tôi quá cao thì không có bầu trời kiến thức nào có thể chấp nhận ta.

z2346122319350 5ca28b7e1d5099f2996e2a969f599503

Và đối với mình, cách ông nói như vậy thật vĩ đại. Dù là một nhà bác học nổi tiếng với vô vàn phát minh, ông cũng chỉ tự nhận mình là một phần nhỏ của biển kiến thức rộng lớn, bao la. Ông được cả thế giới công nhận với khối lượng kiến thức thật đặc biệt. Ngoài sự khiêm tốn, ông còn biết cách để có thêm thật nhiều kiến thức và ông đã ngăn mình lại, không cho cái tôi vượt qua ranh giới của ít hay nhiều kiến thức. Ông đã biết cách tự kiềm chế bản thân, không cho cái định nghĩa “nhà bác học xuất sắc” trèo lên quá cao. Ông không kiêu ngạo cũng không sĩ diện, ông chỉ giữ mãi một nét điềm tĩnh và từ từ khám phá những kiến thức. Nhờ vào ông Einstein, mình mới biết rằng, vội vàng chẳng là gì cả, chỉ khi ta thực sự điềm tĩnh, tự tin thì ta mới đạt được kết quả tốt nhất. “