Lịch sử của Giáo dục thực nghiệm
John Dewey (1859 – 1952) là nhà triết học, nhà cải cách giáo dục Mỹ có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới và là người khai sinh ra giáo dục thực nghiệm. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, John Dewey đã có nhiều tư tưởng giáo dục tiến bộ với mong muốn thay đổi và cải cách phương pháp giáo dục truyền thống được cho là còn nhiều hạn chế trong việc hình thành và phát triển năng lực của mỗi đứa trẻ. Sau gần 100 năm, các triết lý giáo dục của John Dewey đã và đang được áp dụng thành công tại hệ thống các trường thực nghiệm tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới. John Dewey tin rằng giáo dục nên dựa trên nguyên tắc học tập thông qua thực hành. Đó là cốt lõi của tư tưởng triết học thực dụng được ông vận dụng vào lĩnh vực giáo dục.
Giáo dục thực nghiệm yêu cầu Nhà trường và giáo viên phải tạo ra một môi trường và trao cho học sinh đủ công cụ, kiến thức, kỹ năng để người học tự tìm tòi và xây dựng kiến thức thông qua “ kinh nghiệm”, “ tư duy”, “trải nghiệm” của chính bản thân, chứ không phải bằng cách ghi nhớ các luận điểm lý thuyết suông. Bởi vậy, phương pháp học tập tại các trường áp dụng triết lý giáo dục thực nghiệm cổ vũ việc thảo luận, tranh biện, tương tác hai chiều giữa thầy và trò. Các bài tập hướng tới việc viết luận, suy diễn và hoàn thành các nhiệm vụ, dự án thực tế hơn là việc giải các bài tập hay kiểm tra bằng các bài thi.
Như vậy, giáo dục thực nghiệm là một phương thức giáo dục có cơ sở triết học, cơ sở tâm lí học và lịch sử phát triển trên thế giới.
Giáo sư – TSKH Hồ Ngọc Đại đã đưa giáo dục thực nghiệm vào Việt Nam và phát triển thành Công nghệ giáo dục – Thương hiệu giáo dục Việt Nam. Từ năm 1978, giáo dục Việt Nam có thêm một triết lí giáo dục mới – Giáo dục Thực nghiệm.
“Đi học là hạnh phúc – Đến trường là niềm vui” là triết lí của Mô hình giáo dục Thực nghiệm Việt Nam. Trường Thực nghiệm Victory (tên gọi trước là CGD Victory) là Nhà trường của học sinh, vì học sinh; tất cả để các em thích đi học, thích đến trường và hạnh phúc với cuộc sống thật ngay ở trường. Nhà trường tổ chức các lớp học theo Mô hình Hội đồng tự quản học sinh, dạy học sinh biết tự phục vụ, tự quản, tự học, tự đánh giá, tự điều hành các hoạt động của lớp. Tất cả học sinh tự giác tham gia hoạt động của lớp, thay nhau đảm nhận các vị trí lãnh đạo tập thể, cùng hợp tác, chia sẻ suy nghĩ và công việc. Mục đích của hoạt động này là giúp học sinh tự tin, tự chủ trong học tập, sinh hoạt ở trường và trong cuộc sống.
Phương pháp dạy học ở Thực nghiệm Victory: Học qua thực hành – Trưởng thành qua trải nghiệm
Phương pháp dạy học là đặc điểm nổi bật ở Victory. Việc dạy học được tổ chức theo cách: Thầy giao việc – Trò làm việc; Thầy là người hướng dẫn – Trò tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức. Thầy không giảng giải, truyền thụ – Trò không thụ động tiếp thu. Việc học bắt đầu từ hoạt động vật chất bằng tay, đến hoạt động với mô hình và cuối cùng là hoạt động trí óc chuyển vào trong.
Ví dụ:
Tiếng Việt lớp 1: Quy trình học vần 4 bước
1. Học sinh phân tích tiếng thành âm, thành vần với thao tác bằng tay.
2. Học sinh đưa chữ vào mô hình tiếng, chỉ vào chữ nói thành tiếng. Tập viết chữ ở bảng con. Thay nguyên âm, phụ âm, thêm các thanh để tạo thành các tiếng mới, sau đó viết vào vở.
3. Đọc các chữ có liên quan đến vần vừa học trong SGK để củng cố tiếng, chữ đã học. Có phần đọc nâng cao để phân hóa, khuyến khích học sinh khá giỏi, không bắt buộc với mọi học sinh.
4. Chính tả “nghe viết”: Học sinh nghe giáo viên đọc từng tiếng, học sinh tự phân tích tiếng thành các âm trước khi viết vào vở. Học tiếng nào viết được chữ ấy, học chữ nào chắc chữ ấy.
Quy trình bốn việc: nói – viết – đọc – chính tả (nghe – viết) là hoàn thiện việc chiếm lĩnh một loại vần. Viết chính tả, công đoạn cuối cùng để củng cố, thực hành tổng hợp của cả bài học. Biết tiếng, viết được chữ; dùng chữ để thay tiếng. Nói được, viết được, đọc được là hoàn thiện quy trình học vần của học sinh lớp 1. Quy trình này xuyên suốt quá trình dạy Tiếng Việt 1.
Toán lớp 1: Bảng cộng trong phạm vi 6
Để hình thành các phép cộng, bảng cộng, học sinh phải phân tích một số thành hai phần bất kì. Biết đọc phân tích, rồi chuyển thành phép tính.
1. Học sinh thực hiện thao tác bằng tay, chia 6 que tính thành hai phần tùy ý; trao đổi với bạn để biết thêm có nhiều cách chia khác nhau.
XXX XXX |
XX XXXX |
X XXXXX |
2. Viết phân tích trên sơ đồ số, mỗi học sinh có cách phân chia thành hai phần khác nhau.
Học sinh đọc phân tích số : 6 gồm 1 và 5; 6 gồm 2 và 4; 6 gồm 3 và 3; 6 gồm 4 và 2; 6 gồm 5 và 1.
3. Học sinh tự viết bảng cộng 6: Từ phân tích trên chuyển phép gộp thành phép cộng, ta có: 1 + 5 = 6; 2 + 4 = 6; … ; 5 + 1 = 6.
4. Luyện tập thực hành: Ngoài việc củng cố qua các phép tính: 1 + 5 = ; 4 + 2 = ; 3 + 3 = … Học sinh còn ứng dụng giải quyết các vấn đề thực tế: Em hãy nói có bao nhiêu cách chia 6 quả táo cho hai em nhỏ? 4 + ? = 6; ? + 5 = 6; … Quy trình học Toán tương tự quy trình 4 bước học Tiếng Việt ở trên.
Học Toán lớp 1, từ phép cộng học sinh còn biết suy ra một phép cộng và hai phép trừ: Từ 4 + 2 = 6, em suy ra 2 + 4 = 6 và 6 – 2 = 4 ; 6 – 4 = 2. Học sinh biết được phép trừ là phép tính ngược của phép cộng.
Những bài toán, những vấn đề trong SGK nhiều khi quá xa lạ, không gần gũi với cuộc sống thật của học sinh, không tạo được hứng thú cho các em. Vì vậy, giáo viên đã thay chất liệu gần gũi với cuộc sống để các em có thể tự giải quyết được.
Ví dụ:
Bài toán tìm hai số biết tổng và tỉ số ở cuối lớp 4 hoàn toàn dạy được ở lớp 3 với đề toán đơn giản và thú vị sau: “Bà có 12 cái kẹo chia cho hai anh em. Vì em bé, nên bà cho em số kẹo nhiều gấp 2 lần số kẹo của anh. Hỏi mỗi người được bao nhiêu cái kẹo?”. Bài Toán này gần gũi với học sinh, các em có thể tìm được kết quả nhưng có thể không lập luận chính xác cách làm. Giáo viên dùng sơ đồ đoạn thẳng mô tả tường minh nội dung và cách giải bài Toán phức tạp này giúp học sinh dễ dàng nắm được cách giải. Phương pháp giải Toán bằng sơ đồ đoạn thẳng là một công cụ đắc lực để dạy giải các bài Toán có lời văn ở tiểu học.
Khi học toán ở Victory, học sinh không còn thấy những con số vô cảm, xa lạ mà đã biết vận dụng điều đã học vào cuộc sống tại gia đình. Điều này giúp các em thấy Toán học gần gũi và lý thú.
Khi dạy cộng số có hai chữ số. Bài tập thực hành là về nhà là hãy tính tổng, hiệu số tuổi của bố và mẹ; tổng số tuổi của cả nhà, hiệu số tuổi của bố mẹ với tuổi của con; khi dạy về trung bình cộng bài tập về nhà là tính trung bình cộng số tuổi của bố và mẹ; trung bình cộng tuổi, chiều cao, cân nặng của cả nhà, trung bình cộng số tiền điện nhà em phải trả trong 3 tháng,…
Tự nhiên và Xã hội:
Học sinh được trải nghiệm từ kinh nghiệm sống hoặc những khám phá, quan sát được. Ví dụ, khi học về Hệ tuần hoàn, học sinh tự đặt tay vào ngực trái để biết vị trí và hoạt động của tim, bấm nhẹ mạch ở cổ tay để cảm nhận về mạch máu, dự đoán mạch máu có ở những đâu khi trả lời câu hỏi “nếu bị kim châm vào tay, vào chân, vào lưng liệu có chảy máu?, làm thế nào để mạch máu lưu thông?”. Vì được trải nghiệm, phán đoán kết quả trước khi nghiên cứu bài học, các em sẽ hứng thú và tích cực hơn trong quá trình hình thành kiến thức mới.
Tập làm văn: Học tập làm văn khi dạy tả về người thân.
Trước tiên cho học sinh tả về Mẹ, vì Mẹ là người các em yêu nhất, biết nhiều nhất và có nhiều tình cảm nhất. Bài văn này để học sinh làm ở nhà. Các em có thể bàn với bố, với anh chị để có được hình ảnh đầy đủ nhất, những lời nói thân thương nhất, những tình cảm chân thành nhất về Mẹ. Bài văn là sản phẩm chung của cả gia đình viết về người thân quý nhất, nó có giá trị lớn hơn nhiều lần khuôn khổ của một bài tập làm văn của cậu học trò. Khi đã biết viết về Mẹ, các em sẽ viết được những người thân khác theo yêu cầu của SGK.
Ví dụ:
Khi ôn tập về đặt câu hãy cho học sinh viết 5 câu về bố (mẹ, cô giáo,…) theo mẫu: bố làm gì? bố thế nào? bố là ai?. Giờ kể chuyện, cô giáo cho học sinh kể câu chuyện em đã học ở lớp cho bố mẹ nghe ở nhà. Bố mẹ ghi hình và gửi lại cho cô giáo để tính vào điểm thực hành Tiếng Việt cho học sinh.
Điều quan trọng trong dạy học không phải là Dạy cái gì?, mà quan trọng nhất là Dạy như thế nào? để học sinh nắm được kiến thức. Giáo viên cần nắm vững quy trình, thường xuyên cập nhật, thay đổi vật liệu, chọn bài tập ứng dụng có tính thực tế, liên hệ kiến thức với cuộc sống thì giờ học mới hấp dẫn và có chất lượng. Như vậy, phương pháp dạy học tạo ra kết quả học tập. Tiến bộ của học sinh là thước đo giá trị của người thầy.
Vì thế, tại Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory, Thầy nói ít – Trò làm nhiều; Thầy nói một lần – Trò làm nhiều lần; Thầy giao việc – Trò làm việc, tự hình thành kiến thức. Thầy không truyền thụ một chiều, nhồi nhét, áp đặt – Trò tích cực, chủ động, tự học. Học thực sự là công việc của Trò.
Quá trình học trải qua ba hình thức tổ chức: bắt đầu là tự học cá nhân, tương tác với bạn và cuối cùng là hoạt động chung cả lớp. Tự học cá nhân là nhân tố quyết định chất lượng; tương tác với bạn là quan trọng để hoàn thiện nhận thức; làm việc chung cả lớp với thầy để khẳng định kiến thức đã thu nhận được. Tự học và hợp tác là đặc trưng dạy học ở Thực nghiệm Victory. Dạy học là Tổ chức hoạt động Học và Dạy cách Học. Điều này khẳng định vị thế chủ thể của học sinh và việc học trong dạy học ở Victory.