Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory áp dụng phương pháp giáo dục thực nghiệm trên cơ sở triết học, cơ sở tâm lí học và lịch sử phát triển Giáo dục thực nghiệm của John Dewey.
John Dewey (1859 – 1952) là nhà triết học, nhà cải cách giáo dục Mỹ có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới và là người khai sinh ra giáo dục thực nghiệm. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, John Dewey đã có nhiều tư tưởng giáo dục tiến bộ với mong muốn thay đổi và cải cách phương pháp giáo dục truyền thống được cho là còn nhiều hạn chế trong việc hình thành và phát triển năng lực của mỗi đứa trẻ. Sau gần 100 năm, các triết lý giáo dục của John Dewey đã và đang được áp dụng thành công tại hệ thống các trường thực nghiệm tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới. John Dewey tin rằng giáo dục nên dựa trên nguyên tắc học tập thông qua thực hành. Đó là cốt lỗi của tư tưởng triết học thực dụng được ông vận dụng vào lĩnh vực giáo dục.
Giáo dục thực nghiệm yêu cầu Nhà trường và giáo viên phải tạo ra một môi trường và trao cho học sinh đủ công cụ, kiến thức, kỹ năng để người học tự tìm tòi và xây dựng kiến thức thông qua “ kinh nghiệm”, “ tư duy”, “trải nghiệm” của chính bản thân, chứ không phải bằng cách ghi nhớ các luận điểm lý thuyết suông. Bởi vậy, phương pháp học tập tại các trường áp dụng triết lý giáo dục thực nghiệm cổ vũ việc thảo luận, tranh biện, tương tác hai chiều giữa thầy và trò. Các bài tập hướng tới việc viết luận, suy diễn và hoàn thành các nhiệm vụ, dự án thực tế hơn là việc giải các bài tập hay kiểm tra bằng các bài thi.
Giáo sư – TSKH Hồ Ngọc Đại đã đưa giáo dục thực nghiệm vào Việt Nam và phát triển thành Công nghệ giáo dục – Thương hiệu giáo dục Việt Nam. Từ năm 1978, giáo dục Việt Nam có thêm một triết lí giáo dục mới – Giáo dục Thực nghiệm.
Nhà trường tổ chức các lớp học theo Mô hình Hội đồng tự quản học sinh, dạy học sinh biết tự phục vụ, tự quản, tự học, tự đánh giá, tự điều hành các hoạt động của lớp.
Tất cả học sinh tự giác tham gia hoạt động của lớp, thay nhau đảm nhận các vị trí lãnh đạo tập thể, cùng hợp tác, chia sẻ suy nghĩ và công việc. Mục đích của hoạt động này là giúp học sinh tự tin, tự chủ trong học tập, ý thức được giá trị bản thân, có trách nhiệm trong công việc, hợp tác trong sinh hoạt ở trường và trong cuộc sống.
Phương pháp dạy học ở Thực nghiệm Victory: Học qua Thực hành – Trưởng thành qua Trải nghiệm
Phương pháp dạy học là đặc điểm nổi bật ở Victory. Việc dạy học được tổ chức theo cách:
- Thầy giao việc – Trò làm việc;
- Thầy là người hướng dẫn – Trò tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức.
- Thầy không giảng giải, truyền thụ – Trò không thụ động tiếp thu.
- Học sinh Tự học, học theo Dự án.
- Tự giải quyết vấn đề, theo hướng từng bước tập dượt nghiên cứu khoa học.
Việc học bắt đầu từ hoạt động vật chất bằng tay, đến hoạt động với mô hình và cuối cùng là hoạt động trí óc chuyển vào trong.
Với phương châm: “Tôn trọng sự khác biệt”, mỗi học sinh tại Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory đều được tôn trọng và phát huy năng lực và tố chất riêng. Không có học sinh “giỏi” hay
“kém”, không so sánh học sinh này với học sinh khác: tất cả đều có năng lực riêng, có thế mạnh riêng, tất cả đều được thể hiện và đánh giá công bằng trước những cơ hội và thách thức.
Tại đây, học sinh được tôn trọng và phát huy ý kiến cá nhân; giáo viên không áp đặt quan điểm của mình đối với học sinh. Bình đẳng, tôn trọng là một trong những yếu tố được coi trọng hàng đầu trong triết lí giáo dục của nhà trường.